Đại dịch COVID-19 bùng phát và nhanh chóng lan rộng toàn cầu đầu năm 2020 làm đảo lộn cuộc sống của người dân, gây áp lực lớn lên chính quyền các nước và trật tự quốc tế. Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới sức khỏe người dân và hệ thống chăm sóc y tế, gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội của các quốc gia, khu vực và ASEAN cũng không phải ngoại lệ.
Đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đưa ra chủ đề đúng đắn trong bối cảnh đầy thách thức, đó là "Gắn kết và chủ động thích ứng" với mục tiêu tăng cường vai trò trung tâm, đoàn kết của ASEAN, đồng thời thích ứng nhanh chóng đối với tình hình thế giới bên ngoài, khu vực cũng như với từng quốc gia thành viên. Với sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN nói riêng đã bảo đảm toàn bộ nội dung của năm Chủ tịch ASEAN 2020 đề ra thực hiện được, làm tiền đề cho việc xây dựng và triển khai các hoạt động trong những năm tiếp theo.
Việt Nam luôn tích cực tham gia vào Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN
Kể từ năm 2020 đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN vẫn luôn cố gắng duy trì và phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao tính tự lực tự cường, nỗ lực trong các hợp tác chuyên ngành, đặc biệt là các nỗ lực phục hồi sau COVID-19 để cùng nhau xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, sẵn sàng cho mọi tình huống. Điều này được khẳng định với 40 Văn kiện, Tuyên bố quan trọng được các Nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN ghi nhận, thông quan trong năm 2020 và 2021. Các hoạt động, sáng kiến tập trung vào ứng phó với các trường hợp khẩn cấp và thảm họa, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy công tác xã hội, kinh tế chăm sóc, trao quyền và phát triển cho thanh niên, phúc lợi xã hội, giáo dục, phát triển phụ nữ, xóa đói giảm nghèo, sức khỏe cộng đồng, phát triển thể thao, văn hóa và thông tin, biến đổi khí hậu. Ngành giáo dục – đào tạo cũng đang tạo nhiều chuyển biến trong việc thúc đẩy áp dụng chuyển đổi số, thích nghi giáo dục và đào tạo trong bối cảnh bình thường mới để học sinh, sinh viên có thể đến trường, kết hợp học tập theo nhiều hình thức khác nhau hướng tới một thế hệ công dân ASEAN là công dân toàn cầu.
Năm 2022, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN do Cam-pu-chia làm Chủ tịch. Được dẫn dắt bởi chủ đề “ASEAN Hành động: cùng nhau giải quyết các thách thức”, Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đang tích cực hành động nhằm tiếp nối các cam kết của ASEAN từ năm 2020, hướng đến việc ứng phó với những thách thức mới nổi của dịch bệnh, xã hội già hóa, biến đổi khí hậu và kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp 4.0. Những nỗ lực này của Cộng đồng là minh chứng cho việc bảo vệ những nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, xây dựng một xã hội cởi mở và thích ứng và xóa bỏ những bất bình đẳng còn tồn tại. Bên cạnh đó, những sáng kiến gần đây của ASEAN như phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy công tác xã hội, liên thông bảo hiểm xã hội, tăng cường vai trò của Thanh niên ASEAN… cũng đóng vai trò quan trọng, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển bền vững.
Là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN với 15 cơ quan chuyên ngành, phụ trách nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN mang một ý nghĩa quan trọng khi đặt người dân là trung tâm, phục vụ cho người dân và nhanh chóng chứng tỏ được vị trí đặc biệt của mình trong tiến trình phát triển của từng quốc gia cũng như khu vực. Cộng đồng Văn hóa – Xã hội cũng đã chủ động và tích cực hợp tác với hai trụ cột Chính trị – An ninh và Kinh tế để giải quyết những thách thức phát triển bền vững, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực ASEAN./.