Nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhờ vào sự cố gắng, nghiêm túc thực hiện của các Sở, ngành, nhất là Sở LĐTBXH.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh Bắc Giang, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng và ban hành Kế hoạch số 20/KH-LĐTB&XH ngày 18/02/2022 về việc triển khai thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2022; Kế hoạch số 55/KH-LĐTB&XH ngày 11/7/2022 về việc triển khai hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người 30/7” năm 2022; công văn số 1850/LĐTB&XH-PCTNXH ngày 15/8/2022 về việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán của liên bộ LĐTBXH, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao… Thông qua các buổi giao ban ngành, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn Phòng LĐTB&XH các huyện, thành phố triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, trong đó có nội dung về công tác tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã bám sát nội dung văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, kế hoạch của tỉnh, kịp thời ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình thực tế tại địa phương.
Về công tác tuyên truyền, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của bộ, ngành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phòng chống mua bán người với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm vùng miền. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã treo trên 5.000 băng zôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, biển tin, biển tường; phát trên 800 tin, bài, phóng sự trên hệ thống truyền thanh cơ sở, biên soạn và cấp phát trên 50.600 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Tổ chức 27 hội nghị, hội thảo về công tác phòng, chống TNXH cho trên 18.300 người, trong đó có nội dung về phòng, chống mua bán người… Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, PTTH (trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang, trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang, trường THPT Ngô Sỹ Liên) tổ chức 03 hội thi tuyên truyền tìm hiểu, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm, mua bán người và hỗ trợ nạn nhân cho các đối tượng có nguy cơ cao là học sinh, sinh viên với hơn 10.000 người tham gia. Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, đã tham mưu cho Hội đồng PHPBGDPL tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và Hội đồng PHPBGDPL cấp huyện đưa nội dung phòng chống mua bán người vào chương trình phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương. Sở Thông tin truyền thông đã chỉ đạo, hướng dẫn các các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh, huyện đưa tin, bài và chọn thời điểm thích hợp để tổ chức tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán trẻ em cũng như là công tác tiếp nhận, xác minh bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo hội phũ nữ các cấp lập kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các lĩnh vực, trong đó có nội dung về các hoạt động phòng chống mua bán người, hỗ trợ phụ nữ bị mua bán trở về, phụ nữ yếu thế, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Ngân hàng nhà nước tỉnh đã triển khai những kiến thức, chính sách pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong toàn thể hệ thống ngân hàng. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền rộng rãi các chương trình, các gói tín dụng với lãi suất hợp lý tạo điều kiện hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về có nhu cầu vay vốn…
Trong năm 2022, theo báo cáo của các huyện, thành phố, trên địa bàn tỉnh có 274 người được xác định đang làm việc tại Campuchia, trong đó có 10 người đã trở về địa phương, 03 người được xác định là nạn nhân bị mua bán, đã được hỗ trợ tiền tàu xe trở về nơi cư trú.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng gặp những khó khăn như: một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm chỉ đạo công tác tiếp nhận, bảo vệ, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Công tác tuyên truyền, rà soát, thống kê, tiếp cận, thực hiện tư vấn, thực hiện xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân ở một số địa phương, nhất là cấp xã còn chưa được thường xuyên, kịp thời. Cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân ở cơ sở còn kiêm nhiệm, cán bộ cấp xã còn chưa hiểu sâu về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong năm 2023, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người; lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội như giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm…. Tạo điều kiện tốt nhất để nạn nhân tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp sẵn có tại địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 42/KH-LĐTBXH ngày 05/5/2021 về triển khai thực hiện Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Quy chế phối hợp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán số 2548 ngày 18/7/2022 của liên bộ Lao động TB&XH-Bộ Công an-Bộ Quốc phòng-Bộ Ngoại giao. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong phòng, chống mua bán người, tập trung ở các khu công nghiệp hay các địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều người dân tộc ít người dễ bị lợi dụng. Tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc, hỗ trợ ban đầu đối với nạn nhân được giải cứu, được trao trả hoặc tự trở về (nếu có)