Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Thanh Hóa: Thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo

22/10/2021

 Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020, những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền các cấp ở tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,24%/năm, cơ bản đạt mục tiêu kế hoạch và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước

 Từ các chính sách của Đảng và Nhà nước như: Chương trình 30a (Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo), Chương trình 135 (phát triển KTXH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa)… Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành; cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Các dự án, chính sách, hoạt động hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời. Cụ thể:

anh-trang-11--dt-40.jpg

Ảnh minh họa

Về Chương trình 30a: Trong giai đoạn 2016 – 2020, thông qua dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư, xây mới, nâng cấp khoảng 200 km đường giao thông nông thôn, cung cấp nước tưới cho khoảng 300 ha đất sản xuất nông nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất cho 02 trường học và 03 trung tâm dạy nghề cấp huyện…, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.
Đối với hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, việc hỗ trợ đầu tư từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các dự án đầu tư đã phát huy được hiệu quả đầu tư tạo thuận lợi cho việc phương thức sản xuất, sinh hoạt của người dân trong khu vực, giúp cho đời sống của nhân dân được cải thiện tích cực
Trong hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Chương trình 30a, từ năm 2016 đến nay, Thanh Hóa đã đưa khoảng 1.000 người là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài. Hỗ trợ lãi suất tiền vay cho người lao động thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 74,782 tỷ đồng. Các chính sách tập trung hỗ trợ chính như: Hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo; hỗ trợ tiền đi lại, cung cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe; làm hộ chiếu, visa và lý lịch tư pháp để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…
2.jpg
Đường giao thông trục tại xã Tam Lư (Quan Sơn) được nhựa hóa, bê tông hóa
Về Chương trình 135: Tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đầu tư xây dựng hơn 1.300 công trình, trong đó 835 công trình giao thông, 81 công trình thủy lợi, 267 công trình nhà văn hóa, 80 công trình giáo dục, 14 công trình nước sinh hoạt, 15 công trình điện, 01 công trình chợ, 16 công trình trạm y tế. Đồng thời đã thực hiện duy tu, bảo dưỡng 152 công trình hạ tầng.
Với việc hỗ trợ PTSX, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK đối với các xã thuộc Chương trình 135, giai đoạn 2017-2020 tỉnh Thanh Hóa đã triển khai 65 mô hình. Qua đó, tạo điều kiện cho hơn 2.000 hộ là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nhờ được tham gia mô hình.
Đối với các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, đã hỗ trợ cho 200 hộ nghèo và 51 hộ cận nghèo tham gia 6 dự án chăn nuôi, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã thuộc 5 huyện là: Yên Định, Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Nông Cống và Đông Sơn. Triển khai được 95 mô hình nhân rộng các mô hình giảm nghèo…
Ngoài ra, một số chương trình, dự án khác đã góp phần hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo hiệu quả, làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân
Với những kết quả đạt được, mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,24%/năm, cơ bản đạt mục tiêu kế hoạch và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước; Tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện miền núi luôn cao hơn 1,8 lần bình quân chung toàn tỉnh, trong đó 7 huyện nghèo cao gấp 2,2 lần bình quân chung toàn tỉnh; Vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được cải thiện rõ nét.
Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được tăng cường; khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng được tăng cường. Tiêu biểu có huyện Như Xuân (là một trong 8 huyện của cả nước) thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) theo Nghị quyết 30a, 26 xã bãi ngang ven biển, 79 xã và 55 thôn, bản ĐBKK khu vực miền núi thoát khỏi diện ĐBKK.
 
Xem