Theo Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, trong 3 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh này xảy ra 17 vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công tại 17 doanh nghiệp với khoảng trên 9 nghìn người tham gia.
Nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động chưa tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Lao động, như chưa kịp thời thông báo công khai cho người lao động biết về việc điều chỉnh tiền lương, mức thưởng, làm thêm giờ, chậm trả lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội của người lao động. Ngoài ra, phía sử dụng lao động chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu tăng mức tiền thưởng, các khoản phụ cấp, cải thiện chất lượng bữa ăn của người lao động.
Để hạn chế các vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công xảy ra trên địa bàn, Ban chỉ đạo giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công của tỉnh Bình Dương đã tập trung nắm chắc tình hình của doanh nghiệp và người lao động. Từ đó, chỉ đạo ngành chức năng thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật, có kế hoạch chi trả lương, thưởng cho người lao động một cách rõ ràng. Ngoài ra, các doanh nghiệp và người sử dụng lao động quan tâm, chú ý hơn đến việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động, giải tỏa mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu các ngành phân công nhiệm vụ, bố trí hợp lý công việc, tập trung công tác tổ chức tuyên truyền đến doanh nghiệp và người lao động, tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện chống đình công, lãn công, nhanh chóng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp và quan tâm đặc biệt đến tình hình an ninh trật tự tại các khu công nghiệp.
Hoạt động công đoàn tại các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cũng hướng đến những việc làm thiết thực và ý nghĩa hơn, thể hiện rõ vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động, đó là các hoạt động như duy trì Quỹ tương thân tương ái, hỗ trợ vé xe cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết, tổ chức các phong trào thi đua trong công nhân lao động...
Ông Lê Nho Lượng - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã quan tâm đến việc đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn. Trong đó, chú trọng đến việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
Trong năm 2014, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã thành lập mới được 28 công đoàn cơ sở, kết nạp trên 17 nghìn đoàn viên công đoàn, nâng tổng số công đoàn cơ sở trực thuộc lên 350 công đoàn cơ sở với trên 118 nghìn đoàn viên công đoàn. Cũng trong năm 2014, số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã giảm 26% so với năm 2013.
Được biết, năm 2015, Ban chỉ đạo giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công không đúng pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Dương đề ra chín nhóm giải pháp nhằm giảm số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công. Đó là, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chấp hành các quy định pháp luật lao động.
Các sở, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động; nhất là Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng.
Trước mắt, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ 1/1/2015, chế độ thưởng Tết cho người lao động; tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức đối thoại với các Hiệp hội, Chi hội, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đại diện công đoàn cơ sở và người lao động nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp nhằm bảo vệ và đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.v.v…/.