Sáng ngày 15/7/2010, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo Dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 và Chương trình mục tiêu Quốc gia (giai đoạn 2011 -2015) về bình đẳng giới. Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – TBXH các tỉnh thành phía Nam, đại diện các bộ, ban ngành và các viện khoa học, các trường đại học.
Tại Hội thảo, ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã trình bày nội dung bản Dự thảo về chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, đồng thời cũng đề nghị các đại biểu thảo luận và cho ý kiến để Ban soạn thảo hoàn thiện bản Dự thảo nêu trên.
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đã đặc biệt quan tấm đến thực trạng bạo lực gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, hiện tượng cô dâu Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, vấn đề mất cân bằng giới tính... Các đại biểu đề nghị, với tư cách chủ trì soạn thảo bản dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần tiến hành rà soát, đánh giá đúng tình hình thực tế, để từ đó đưa ra các tiêu chí phấn đấu cũng như các giải pháp thực hiện phù hợp, sát thực.
Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam đã đạt được nhiều thanh tựu quan trọng về bình đẳng giới, được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Hiện nay, chỉ số quyền năng giới (GEM) của Việt Nam đạt 0,554, đứng vị trí 62/109 nước, thuộc nhóm nước có sự phát triển trung bình về giới. Tuy nhiên, cũng theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, khoảng cách giới vẫn còn tồn tại khá lớn trong nhiều lĩnh vực. Đó cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng bất bình đẳng giới nói chung, đặc biệt là mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam.
Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị, cán bộ nữ là lãnh đạo đầu ngành, lãnh đạo địa phương còn rất ít, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ tăng nhưng không bền vững và chưa đạt chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2020 (khóa XII đạt 25,7 %, trong khi mục tiêu trên 33 %). Chính chế độ nghỉ hưu sớm hơn 5 năm áp dụng cho nữ giới được xem là một trong nhiều nguyên nhân làm cho phụ nữ ít có khả năng được đề bạt ở những vị trí cao hơn so với nam giới.
Về lĩnh vực lao động – việc làm, lao động nữ vẫn chiếm số đông trong những ngành nghề không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, thu nhập thấp (chỉ bằng 74,5 % so với nam), điều kiện lao động thiếu thốn, thời gian lao động kéo dài, độ rủi ro xã hội cao và dễ mắc các bệnh nghề nghiệp.
Đối tượng phụ nữ và trẻ em nghèo vẫn thiệt thòi hơn nam giới trong việc tiếp cận các điều kiện học hành, dịch vụ chăm sóc y tế. Ở Việt Nam, tỷ suất tử vong mẹ cao gấp 2 lần so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á; tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV có chiều hướng gia tăng (tỷ lệ 26,83 % trong năm 2009); vấn nạn nạo phá thai ở tuổi vị thành niên đang ở mức cao là 29 ca /100 trẻ đẻ sống, trong đó không ít trường hợp phá thai nhiều lần. Tâm lý “trọng nam khinh nữ” vẫn còn đeo bám dai dẳng đối với số đông gia đình người Việt, hệ quả là vai trò của người phụ nữ không những bị hạ thấp mà còn bị “đánh đồng” vào “thiên chức” nội trợ và chăm sóc gia đình.
Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020. Theo đó, ở lĩnh vực chính trị, mục tiêu lớn đề ra là đảm bảo 100 % Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các cấp có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế - việc làm, cần tập trung vào nhóm phụ nữ nghèo nông thôn và dân tộc thiểu số, phấn đấu tạo nhiều cơ hội việc làm và đảm bảo đào tạo tay nghề cho 50 % lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi. Phấn đấu giảm 50 % tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, kéo giảm 50 % tỷ lệ nữ bị bạo lực gia đình như bị đánh, mắng chửi, ép buộc quan hệ tình dục. Chiến lược này cũng đề ra chỉ tiêu giảm 50 % loại tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là việc buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài, trong đó có nhiều vụ núp bóng dưới danh nghĩa môi giới hôn nhân trái pháp luật.../.