Trong 2 ngày 29-30/6/2010, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Phát triển Phụ nữ của Liên Hợp quốc (UNIFEM) tổ chức cuộc họp trên với sự tham gia của đại diện một số tỉnh, thành phố phía Bắc, một số bộ, ngành, cơ quan trung ương và thành viên nhóm GAP. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chủ trì hội thảo.
Thực trạng bình đẳng giới của Việt Nam hiện nay được khái quát trong Dự thảo Chiến lược quốc gia như sau: Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này mới được hình thành. Đội ngũ cán bộ địa phương thiếu kiến thức và hạn chế trong kỹ năng hoạt động. Kinh phí chi cho công tác bình đẳng giới còn ít. Các văn bản hướng dẫn Luật Bình đẳng giới chưa hoàn chỉnh và đồng bộ. Số liệu tách biệt theo giới chưa được quan tâm đúng mức.
Hiện tại, tỷ lệ nữ làm cán bộ, lãnh đạo thấp và có sự chênh lệch giới lớn ở bậc sau đại học. Chế độ nghỉ hưu sớm 5 năm làm cho phụ nữ ít có cơ hội được đề bạt ở những vị trí cao hơn. Tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo cao hơn so với nam giới. Thu nhập thực tế của lao động nữ bằng 74,5% so với nam. Khoảng cách giới là đáng kể tại các vùng sâu, vùng xa. Phụ nữ nghèo vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số ít có cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tỷ suất tử vong mẹ còn cao. Tỷ lệ nữ trong số người nhiễm HIV có xu thế tăng. Bạo lực gia đình đối với phụ nữ vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt ở vùng nông thôn. Tình trạng buôn bán phụ nữ còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, nam giới vẫn là người ra các quyết định chính trong gia đình và bị coi là có trách nhiệm chính trong việc kiếm tiền nuôi gia đình.
Mục tiêu tổng quát Dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đưa ra là đến năm 2020, về cơ bản đảm bảo cơ hội tham gia và hưởng lợi một cách bình đẳng cho phụ nữ và nam giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó phấn đấu thu hẹp khoảng cách giới trong một số lĩnh vực chủ yếu và giải quyết các vấn đề giới nổi cộm trong từng thời kỳ.
Còn Dự thảo Chương trình quốc gia đưa ra mục tiêu trong giai đoạn 2011-2015 sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức; thu hẹp rõ rệt khoảng cách giới và nâng vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm có sự bất bình đẳng hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới cao, tạo đà cho thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vào năm 2020.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã đề nghị các đại biểu 3 vấn đề cụ thể như sau:
Thứ nhất, về Dự thảo Chiến lược quốc gia, cần thảo luận để xác định chính xác các vấn đề giới cấp bách cần được giải quyết trong 10 năm tới. Đồng thời rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu của chiến lược xem đã đáp ứng được vấn đề giới trong từng lĩnh vực chưa và tính khả thi của mục tiêu, chỉ tiêu; đề xuất các giải pháp thực hiện theo thứ tự ưu tiên; gợi ý về các chỉ tiêu giám sát, đánh giá trong qúa trình thực hiện.
Thứ hai, về Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị làm rõ các chỉ tiêu đưa ra đã “xứng tầm” là các mục tiêu quốc gia chưa và cho ý kiến về các giải pháp thực hiện để đảm bảo tính khả thi. Đối với các dự án được đề xuất trong Dự thảo Chương trình mục tiêu, cần làm rõ các mục tiêu, các chỉ tiêu, các nhiệm vụ và hoạt động cụ thể cũng như xác định cơ chế hoạt động của từng dự án như thế nào cho hiệu quả.
Thứ ba, cần làm rõ hơn về sự cần thiết và căn cứ pháp lý để ban hành Chiến lược và Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng gợi ý để các đại biểu cùng chia sẻ, thảo luận về một số căn cứ để xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia.