Ngày 18/9/2009, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo trên với sự tham gia của các đại biểu đại diện cho hai đơn vị cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc, GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, tính đến hết tháng 12/2008, cả nước có gần 1,3 triệu trẻ em khuyết tật, chiếm 25,4% tổng số người tàn tật (5,1 triệu người tàn tật), hay nói cách khác, cứ 4 người tàn tật thì trong đó có 1 trẻ em. Trong những năm qua, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về quyền của trẻ em khuyết tật như: Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em; Luật Giáo dục, Pháp lệnh người tàn tật… đồng thời, Việt Nam cũng đã ký Công ước Quốc tế về Người khuyết tật.
Tiếp đó, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội trình bày tổng quan về tình hình trẻ em khuyết tật và việc thực hiện pháp luật, chính sách về trẻ em khuyết tật tại Việt Nam. Theo đó, khái niệm Người tàn tật và Người khuyết tật chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản luật. Pháp lệnh Người tàn tật áp dụng chung cho mọi người khuyết tật nên chưa thể bảo vệ có hiệu quả quyền và tự do cơ bản của trẻ em khuyết tật. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát, phối hợp thực hiện pháp luật về quyền của trẻ em khuyết tật còn yếu. Việc giáo dục hòa nhập cho các em đang gặp khó khăn. Hiện nay, cả nước có khoảng 187 nghìn trẻ em tàn tật nhận được trợ cấp xã hội và chăm sóc thay thế. Hàng năm, có khoảng 10 nghìn trẻ em được phẫu thuật, chỉnh hình phục hồi chức năng, trong đó 5-7% là mổ tim bẩm sinh. Theo số liệu 8 tháng đầu năm nay, cả nước có trên 6.000 trẻ được phẫu thuật, chỉnh hình phục hồi chức năng, trong đó có 922 em được mổ tim bẩm sinh. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa trẻ khuyết tật và trẻ bình thường; Chính phủ vẫn chưa có một chương trình quốc gia dành riêng cho trẻ em khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; sự hạn chế về nguồn lực, nhân lực và thể chế trợ giúp.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề như: những kết quả đạt được, nguyên nhân và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em khuyết tật; các hình thức giáo dục, chính sách khám chữa bệnh, chỉnh hình và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật… Nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ khuyết tật ở nước ta còn nhiều bất cập; số trẻ được học nghề tạo việc làm phù hợp chiếm tỉ lệ nhỏ; việc tiếp cận giao thông, công trình công cộng còn nhiều rào cản…
Các khuyến nghị, giải pháp được đưa ra đều nhằm góp phần cải thiện môi trường pháp lý về trẻ em khuyết tật tại Việt Nam; đồng thời đóng góp cho dự thảo Luật Người khuyết tật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 được tổ chức vào tháng 10 tới. Trong đó, tập trung vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền lợi của trẻ em khuyết tật; tạo điều kiện cho các em có thể đóng được các vai trò xã hội có giá trị để giảm sự mặc cảm và phân biệt đối xử; trợ giúp không rào cản, xây dựng môi trường thuận lợn để giáo dục hòa nhập cho các em. Đặc biệt, cần có Chương trình quốc gia riêng cho trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn./.