Những năm qua, tỷ lệ lao động có nghề đi XKLĐ đã tăng so với trước. Đây là nỗ lực lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong bối cảnh hậu khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, thị trường lao động ngoài nước của ta đang từng bước ổn định và mở rộng.
Tuy nhiên, do còn một số hạn chế, nhất là về ngoại ngữ và kỹ năng nghề, đối với một số thị trường đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao, ta chỉ mới đáp ứng ở chừng mực nhất định. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chưa có sự gắn kết chặt chẽ với các cơ sở dạy nghề trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng mọi cấp trình độ.
Việc tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài của một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động thường được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau, chủ yếu từ thị trường lao động, các nhà máy, xí nghiệp... Số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đến tuyển lao động trực tiếp tại các cơ sở dạy nghề ngày một tăng nhưng quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Nguyên nhân là do các bên chưa có tiếng nói chung qua các biểu hiện như sau:
Một là, các cơ sở dạy nghề chưa xem xét doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần gì, thị trường lao động cần gì. Cơ sở dạy nghề phải tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, có như vậy đào tạo mới sát với yêu cầu thực tế, tránh gây lãng phí trong quá trình đào tạo, cho người học và cho cộng đồng. Trên thực tế, tuỳ theo từng hợp đồng, doanh nghiệp xuất khẩu lao động không phải lúc nào cũng cần nguồn nhân lực có trình độ cao nhưng dù ở trình độ nào, lao động đều phải có chất lượng. Điều đó dẫn đến việc phân tầng nguồn nhân lực nên cũng phải phân tầng trong đào tạo nghề. Chính vì vậy, các cơ sở dạy nghề cần xây dựng mối quan hệ đa chiều với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, bởi xét về logic, doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần đến đâu, cơ sở dạy nghề đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực theo đến đó, tốt nhất là nên đi trước một bước.
Hai là, các cơ sở dạy nghề cần luôn đổi mới và điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với định hướng của thị trường lao động, chú ý đến việc mở thêm ngành nghề đào tạo mới mà doanh nghiệp, thị trường lao động quốc tế có nhu cầu.
Hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, công nghệ mới được đưa vào sản xuất phát triển mạnh, nhu cầu lao động chất lượng cao ngày càng lớn, đòi hỏi nguồn nhân lực phải tăng nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành, nghề đào tạo và cơ cấu trình độ đào tạo. Các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của nước ngoài “khát lao động có kỹ thuật” ngày càng trầm trọng. Một số nghề, nhóm nghề đang có nhu cầu cao về lao động qua dạy nghề như cơ khí, lắp ráp máy móc, vận hành máy, dệt may, xây dựng... Ở một số nghề, nhóm nghề khác lại cần nhiều lập trình viên, điện, điện tử, cơ điện tử với trình độ cao... Đây là cơ hội những cũng là thách thức lớn cho các cơ sở dạy nghề trong việc cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (xuất khẩu lao động tại chỗ).
Ở qui mô thế giới, thị trường lao động quốc tế đã có nhiều thay đổi, nhu cầu lao động phổ thông giảm dần, thay vào đó là lao động có tay nghề cao. Bản thân các nước nhập khẩu lao động hiện nay cũng thay đổi chính sách trong việc khuyến khích lao động có nghề đến sinh sống và làm việc, đặc biệt là chính sách về nhập cư. Chính vì vậy, việc cung ứng lao động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động bắt đầu có sự tăng dần tỷ trọng lao động tay nghề cao, trong khi chỉ có một số ít doanh nghiệp xuất khẩu lao động có cơ sở dạy nghề, do vậy buộc phải tuyển chọn lao động ở bên ngoài và không chủ động trong cung ứng. Thêm vào đó, một số ngành nghề không thể tuyển chọn được lao động do không có cơ sở dạy nghề nào tổ chức đào tạo. Chính vì vậy, việc gắn kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp để chủ động trong đào tạo và cung ứng lao động phục vụ xuất khẩu là hết sức cần thiết.
Muốn đào tạo nghề phục vụ cho xuất khẩu lao động thì các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp cung ứng lao động cần có mối quan hệ chặt chẽ hơn, với các giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, về cơ chế, chính sách cần chuyển mạnh dạy nghề từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động từ việc tuyển sinh, xây dựng chương trình tới hình thức đào tạo..., dạy nghề theo cơ chế đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Đối với những nghề khó thu hút lao động, thực hiện cơ chế chỉ định đào tạo, hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút học sinh học nghề.
Phát triển mạnh các cơ sở dạy nghề tại doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Các tập đoàn kinh tế cần có trường cao đẳng nghề; doanh nghiệp xuất khẩu lao động lớn cần có trường trung cấp nghề. Các trường này tập trung đào tạo phục vụ tạo nguồn lao động cho xuất khẩu.
Củng cố và phát triển những trường đào tạo chuyên ngành đối với các nghề đặc thù như khai thác mỏ, chế biến dầu, thuyền viên...
Bổ sung cơ chế, chính sách để huy động các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tham gia đào tạo nghề, như được tính chi phí đào tạo vào giá thành; được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc được trích một phần thu nhập trước thuế.
Phải coi dạy nghề tại doanh nghiệp là hình thức đào tạo cho người lao động; doanh nghiệp không chỉ là nơi thực tập mà là nơi dạy tích hợp cả lý thuyết lẫn thực hành và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Vì vậy, cần xây dựng các tiêu chí đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động được đào tạo tại doanh nghiệp hoặc tự đào tạo trong quá trình lao động. Người lao động được đào tạo tại doanh nghiệp được hưởng quyền lợi hợp pháp về nghề nghiệp và đãi ngộ như những người được đào tạo tại các cơ sở dạy nghề chính quy.
Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng mềm dẻo, tích hợp và linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi công nghệ của doanh nghiệp. Hướng tới các trường dạy nghề tự xây dựng chương trình đào tạo, có sự tham gia của nhiều phía trong đó có doanh nghiệp. Triển khai một số chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài đối với một số nghề công nghệ cao.
Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Nhà nước về lao động với đại diện giới chủ, đại diện giới thợ, đại diện các hội nghề nghiệp và cơ sở dạy nghề trong việc xác định nhu cầu của doanh nghiệp về lao động.
Hệ thống xuất khẩu lao động cần thường xuyên phân tích, dự báo nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước, làm cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hai bên nắm bắt được những thông tin về cung và cầu lao động qua đào tạo nghề và cung ứng lao động.
Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở dạy nghề tại doanh nghiệp.
Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với hoạt động dạy nghề, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở dạy nghề. Các trường dạy nghề chịu trách nhiệm xác định nghề đào tạo, quy mô đào tạo và chủ động xây dựng chương trình đào tạo mềm dẻo, linh họat, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Đổi mới các chính sách khác có liên quan như thuế, ưu đãi sử dụng đất, tín dụng, chính sách đối với cơ sở dạy nghề, nhất là các cơ sở dạy nghề tại doanh nghiệp, chính sách đối với người học nghề...
Hai là, doanh nghiệp phải có chiến lược, kế hoạch tạo nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược, kế hoạch xuất khẩu lao động theo định hướng thị trường lao động.
Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ sở dạy nghề nhu cầu về lao động (quy mô, cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo, kỹ năng nghề...). Có thể coi đây là trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp.
Tổ chức đào tạo nghề tại doanh nghiệp với nhiều hình thức khác nhau đối với những lao động tuyển mới và nâng cao kỹ năng nghề đối với người lao động đã có nghề, phù hợp với điều kiện và công nghệ sản xuất của doanh nghiệp tiếp nhận lao động.
Ba là, cơ sở dạy nghề cần chủ động xác định số lượng nghề đào tạo, quy mô đào tạo trên cơ sở năng lực của cơ sở và nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng như của thị trường lao động; chủ động xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp, quy trình đào tạo, lấy người học nghề làm trung tâm và nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động làm định hướng đào tạo.
Hình thành bộ phận quan hệ doanh nghiệp trong các cơ sở dạy nghề để nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu lao động và hợp tác với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo. Cơ sở dạy nghề phải chủ động điều tra để có được thông tin về nhu cầu tuyển chọn lao động của doanh nghiệp về nghề, trình độ, mức độ kỹ năng... để tổ chức đào tạo cho phù hợp.
Cao Văn Sâm
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề
Nguồn: Tạp chí Lao động