Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Hệ thống thông tin thị trường lao động Việt Nam

13/12/2011

Hệ thống thông tin thị trường lao động Việt Nam

I. Thực trạng Hệ thống thông tin thị trường lao động
1. Cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin thị trường lao động
Tại cấp Trung ương, Trung tâm tích hợp dữ liệu đặt tại Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động (TTTTLĐ) là nơi có đủ khả năng phân tích, xử lý, xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu dùng chung của toàn hệ thống TTTTLĐ, là đầu mối duy nhất tập trung các nguồn dữ liệu về thị trường lao động (TTLĐ).
Tại các địa phương, hệ thống mạng máy tính địa phương cùng đường truyền Internet tốc độ cao đã được đầu tư triển khai đến cấp huyện; hệ thống mạng đặt tại các trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) và tại các trạm quan sát. Thông tin về TTLĐ sau khi được thu thập tại các trạm quan sát được trực tiếp nhập vào cơ sở dữ liệu địa phương hoặc gián tiếp thông qua internet. Các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, TTGTVL thường xuyên cập nhật dữ liệu thu thập được cho Trung tâm Quốc gia Dự báo và TTTTLĐ thông qua mạng Internet. Tất cả các TTGTVL đã được thiết lập hệ thống mạng LAN và kết nối Internet tốc độ cao (ADSL).
2. Phần mềm ứng dụng cho Hệ thống TTTTLĐ
Để hệ thống hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu lưu trữ, xử lý, phân tích và phổ biến TTTTLĐ, Bộ LĐTBXH đã chủ động xây dựng nhiều phần mềm cho hệ thống như cổng thông tin điện tử về việc làm, hệ điều hành tác nghiệp, cơ sở dữ liệu về TTLĐ … tuy chưa hoàn chỉnh do hạn chế về kinh phí.
3 Tập huấn, đào tạo
Đã thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ của Cục Việc làm, Sở LĐTBXH, TTGTVL về nghiệp vụ chuyên môn liên quan việc làm và bảo hiểm thất nghiệp, các kỹ năng: phỏng vấn, giới thiệu việc làm, thu thập thông tin, phân tích TTTTLĐ, dự báo ngắn hạn, dài hạn…
Đào tạo, tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm điều tra, thu thập, xử lý và phổ biến TTTTLĐ.
Được sự hỗ trợ của ILO, năm 2009, Cục Việc làm đã tiến hành tập huấn, triển khai Cổng thông tin điện tử việc làm và hệ điều hành tác nghiệp cho cán bộ của Cục, Sở LĐTBXH, các tỉnh thành và các TTGTVL thuộc Sở.
Ngoài các đợt tập huấn trong nước, được sự hỗ trợ của Dự án Thị trường lao động, Cục Việc làm cùng với một số Sở LĐTBXH và các TTGTVL còn tham gia các chương trình đào tạo ở nước ngoài.
4.Nguồn dữ liệu cho Hệ thống TTTTLĐ
Nguồn dữ liệu cho hệ thống này được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, được tổng hợp, lưu trữ, xử lý tại Trung tâm tích hợp dữ liệu TTLĐ thuộc Trung tâm Quốc gia dự báo và TTTTLĐ, bao gồm:
- Các cơ quan lập pháp: Cấp trung ương, cấp tỉnh
- Các cơ quan quản lý: Việc làm và các dịch vụ bảo hiểm xã hội; Thanh tra lao động; công đoàn; thống kê (Phòng thống kê của các cơ quan quản lý, Tổng cục Thống kê)
- Các cơ quan thực hiện: Bộ phận nghiên cứu (của các bộ, viện, trường đại học); thư viện; các đối tác xã hội (Tổ chức người lao động và người sử dụng lao động); phương tiện thông tin đại chúng
- Số liệu sơ cấp: Điều tra lực lượng lao động; điều tra hộ gia đình (Tổng điều tra dân số); điều tra doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động.
- Số liệu thứ cấp: TTGTVL; thống kê hành chính khác.
5.Hệ thống dịch vụ việc làm - các TTGTVL
Hệ thống 147 TTGTVL trên cả nước ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập, xử lý, cung cấp TTTTLĐ và tổ chức các giao dịch việc làm. Được thành lập từ những năm 80, hệ thống này đã và đang phát triển cả về số lượng, chất lượng.
6. Hệ thống các cơ sở dạy nghề
Mạng lưới cơ sở dạy nghề đã được phát triển rộng khắp trên toàn quốc, đa dạng về hình thức sở hữu và loại hình đào tạo (Số cơ sở dạy nghề ngoài công lập chiếm khoảng 40%). Hiện có 102 trường cao đẳng nghề, 265 trường trung cấp nghề, 864 trung tâm dạy nghề và trên 100 cơ sở khác có dạy nghề trên toàn quốc. Quy mô đào tạo nghề tăng nhanh (8,9%/năm cho giai đọan 2001-2008). Cơ cấu ngành nghề trong đào tạo đã từng bước được điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường. Khoảng 70% học sinh học nghề có việc làm ngay sau đào tạo, trong số đó 80% làm việc theo đúng ngành nghề được học.
7. Thành lập Trung tâm Quốc gia Dự báo và TTTTLĐ
Trung tâm Quốc gia Dự báo và TTTTLĐ có chức năng xây dựng và vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động, là nơi tiếp nhận thông tin tổng hợp từ các địa phương, từ các trạm thông tin TTLĐ trên cả nước và các thông tin tổng hợp từ các cuộc điều tra có liên quan ở Trung ương; Lưu trữ, xử lý, cung ứng và phổ biến thông tin tổng hợp về TTLĐ để phục vụ các cơ quan Nhà nước và các đối tượng có nhu cầu. Nó cũng đóng vai trò là đầu mối thông tin liên kết với cơ quan cấp cao hơn, cơ quan ngang cấp và các cơ quan cấp dưới.

8. Hệ thống thu thập, xử lý và cung cấp TTTTLĐ các cấp:

9. Mạng lưới phân tích thông tin thị trường lao động
Mạng lưới phân tích TTLĐ là một phần quan trọng của Hệ thống TTTTLĐ, gồm những nhà phân tích TTLĐ, nhà thống kê…, đồng thời cũng bao gồm những cơ chế qui định về cung cấp thông tin và phân tích cho các quá trình lập chính sách, và nhận phản hồi về nội dung của phân tích.
II. Kết quả đạt được và hạn chế của Hệ thống TTTTLĐ Việt Nam
Nhìn chung, việc xây dựng và vận hành hệ thống này ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Các cơ chế, chính sách về chế độ thu thập, báo cáo các chỉ tiêu TTTTLĐ và tổ chức thực hiện từ trung ương đến địa phương được ban hành và thực hiện tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thu thập TTTTLĐ; nguồn cung cấp thông tin ngày càng đa dạng, chứa đựng nhiều nội dung đã đáp ứng một phần nhu cầu của các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách cũng như người lao động và người sử dụng lao động; TTTTLĐ ngày càng được phổ biến rộng rãi qua nhiều hình thức phong phú như sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, tháng việc làm, điểm hẹn việc làm ... Tuy nhiên, xét về tổng thể, đến giờ Việt Nam chưa có một hệ thống TTTTLĐ được kết nối đồng bộ để có thể bao quát được cung – cầu lao động, đặc biệt là cầu lao động.
Hiện nay, nước ta vẫn chưa có các định nghĩa thống nhất về các yếu tố cấu thành TTLĐ cũng như bộ chỉ tiêu hệ thống TTTTLĐ phục vụ cho việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin cho các đối tượng có nhu cầu, dẫn tới hiện trạng cùng một số liệu được nhiều đơn vị công bố với các thông số khác nhau, gây khó khăn cho người sử dụng trong việc lựa chọn một bộ số liệu chính thống.
TTTTLĐ chưa mang tính hệ thống, bị chia cắt giữa các tỉnh, vùng, đơn vị; khả năng bao quát, thu thập và cung ứng thông tin còn nhiều hạn chế.
Cơ sở dữ liệu về TTLĐ vừa thiếu, vừa không được cập nhật thường xuyên do hầu hết các cuộc điều tra chỉ được tiến hành 1 lần/năm trong khi biến động về TTLĐ là thường xuyên. Mặt khác, hầu hết các cuộc điều tra là điều tra mẫu, phạm vi, quy mô mẫu chưa có tác dụng nhiều đối với công tác dự báo tầm quốc gia, chưa kịp thời cung cấp thông tin cập nhật về cung-cầu lao động cho các nhà tuyển dụng lao động và người lao động cũng như các cơ sở đào tạo để có định hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường. Quy mô mẫu điều tra ở các địa phương là rất nhỏ, hầu như không có tác dụng trong việc đưa ra một thông tin chính xác nhất về thực trạng TTLĐ tại cấp địa phương.
Các số liệu thống kê cơ bản chưa thực sự đầy đủ các số liệu mà một cuộc điều tra lực lượng lao động quy mô lớn cần phải có để công bố về việc làm, thất nghiệp, bán thất nghiệp,... trong khi tính chính xác, hiệu lực và độ tin cậy của các thông tin này chưa thực sự cao.
Các dữ liệu được lưu trữ, quản lý một cách thủ công, thô sơ và chủ yếu trên sổ sách, gây khó khăn cho việc khai thác, tìm kiếm và sử dụng; mặc dù đã có quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê cơ sở nhưng chưa được thực hiện một cách đầy đủ và kịp thời; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc thu thập, cung cấp và xử lý TTTTLĐ, đặc biệt là các trang thiết bị thông tin, công nghệ phần mềm ... còn quá thiếu và lạc hậu.
Khó khăn trong việc thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu về nền kinh tế phi chính thức; hạn chế về công cụ và năng lực thu thập, xử lý, phân tích, phổ biến TTTTLĐ đáng tin cậy một cách thường xuyên, hiệu quả và kịp thời.
Thiếu khả năng kết hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau; chưa có sự phối hợp chặt chẽ từ các tổ chức cung cấp thông tin.
Các TTTTLĐ chưa được phân tích đủ sâu để đáp ứng nhu cầu của những nhà hoạch định chính sách.
Hệ thống TTTTLĐ thiếu linh hoạt, thiếu khả năng phản ứng kịp thời với những thay đổi và tình huống khẩn cấp; cơ chế liên kết thực hiện chính sách với sự thay đổi của TTLĐ còn hạn chế.
III. Kế hoạch hoàn thiện Hệ thống thông tin thị trường lao động.
Để hoàn thiện và vận hành hệ thống TTTTLĐ trong thời gian tới cần tập trung vào những giải pháp chính sau:
- Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu và các TTGTVL.
- Xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin cho Hệ thống TTTTLĐ
- Xây dựng cơ chế, chính sách và các công cụ thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động
- Hoàn thiện và chuẩn hoá bộ chỉ tiêu TTTTLĐ, hệ thống sổ sách, biểu mẫu, hệ thống báo cáo theo bộ chỉ tiêu TTLĐ của ILO
- Hình thành hệ thống thu thập, xử lý và cung cấp thông tin cơ bản về TTLĐ các cấp.
- Nâng cao trình độ cho cán bộ các cấp về các kỹ năng quản lý, kỹ năng điều tra, thu thập và kỹ năng ứng dụng CNTT vào hoạt động hàng ngày.
- Phổ biến rộng rãi thông tin TTLĐ./.

TS. Nguyễn Thị Hải Vân
Phó Cục trưởng Cục Việc làm
Nguồn: Tạp chí Lao động

Xem