Ngày 12/4, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Kế hoạch số 836/KH-UBND về triển khai thực hiện công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng lao động nông thôn tỉnh Cao Bằng năm 2023 với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, đáp ứng mục tiêu của các Chương trình mục tiêu Quốc gia và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ảnh minh họa
Theo Kế hoạch số 836/KH-UBND, tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu năm 2023, tuyển sinh đào tạo nghề cho 6.000 người, trong đó: Trình độ trung cấp 500 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên 5.500 người (đào tạo nghề cho lao động nông thôn 2.500 người). Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 37,4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 23,3%.
Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh Cao Bằng đề ra các nhiệm vụ cụ thể như, truyền thông, tư vấn về giáo dục nghề nghiệp, xây dựng và phát triển không gian truyền thông trong giáo dục nghề nghiệp; Nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Tổ chức công tác tuyển sinh, định hướng phân luồng giáo dục nghề nghiệp; Thực hiện chuyển đổi số, hiện đại hoá cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; Tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và người lao động; Ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Khảo sát, đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề với thu thập thông tin thị trường lao động; Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho công tác giáo dục nghề nghiệp; Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị, trong năm 2023, các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu của người lao động và yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, đáp ứng mục tiêu của các Chương trình mục tiêu Quốc giavà quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.