Chiều ngày 21/9, tại Trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Xuân Long đã có buổi tiếp thân mật Đoàn đại biểu người có công (NCC) tiêu biểu tỉnh Hậu Giang và Trà Vinh nhân dịp Đoàn ra thăm Thủ đô và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Xuân Long bày tỏ vui mừng khi được tiếp đón 66 đại biểu Người có công tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh và 35 đại biểu Người có công tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang đến thăm nhân dịp địa phương tổ chức Đoàn vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan thủ đô Hà Nội và các địa danh lịch sử, cách mạng phía Bắc.
Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Xuân Long vui mừng khi được tiếp đón Đoàn đại biểu Người có công tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang và Trà Vinh
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Trà Vinh Phạm Thị Hồng Diễm cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 64.528 người có công với cách mạng (chiếm tỷ lệ 6,39% so với tổng số dân) được ghi nhận, tôn vinh, hưởng trợ cấp ưu đãi của Đảng, Nhà nước và sự chăm lo của các ngành, các cấp và nhân dân. Trong đó, có 19.624 liệt sĩ; 9.811 thương bệnh, bệnh binh; 3.370 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống 101 Mẹ); 8.814 người có công giúp đỡ cách mạng; 3.348 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 1.678 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 3.968 thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng; 42 Thanh niên xung phong qua 2 thời kỳ kháng chiến 12.373 người hoạt động kháng chiến đã hưởng trợ cấp một lần và một số đối tượng khác,...
Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giúp cho Trà Vinh đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn tỉnh có trên 100% gia đình người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn so với mức sống người dân nơi cư trú. Phần lớn các xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm lo đời sống thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Hiện nay chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được mở rộng đối tượng, điều chỉnh đối tượng, bổ sung chế độ ưu đãi; quy định điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công phù hợp với thực tiễn qua các thời kỳ cách mạng khác nhau không chỉ mang tính chính trị, kinh tế, xã hội mà còn mang tính nhẫn văn sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng cũng như trách nhiệm của toàn xã hội đối với người có công với cách mạng.
Công tác chăm lo đời sống về vật chất và tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành đã được triển khai thực hiện đi vào cuộc sống; công tác xét duyệt, giải quyết hồ sơ được thực hiện kịp thời, chính xác; việc giải quyết trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng được đảm bảo theo nguyên tắc, đúng, đủ, kịp thời.

Các đại biểu NCC tiêu biểu của 2 tỉnh tại buổi tiếp
Thay mặt Đoàn Đại biểu Người có công tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang, Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Minh Thương chia sẻ, toàn tỉnh hiện có 12.504 liệt sĩ, trong đó đã có 7.765 liệt sĩ được an tang tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và 03 nghĩa trang cấp huyện (thị xã Ngã Bảy, Châu Thành, Châu Thành A) và có 2.454 mộ liệt sĩ được an táng tại gia đình, còn lại 2.285 hài cốt liệt sĩ được an táng tại các nghĩa trang trong cả nước và một số chưa tìm được. Tuy nhiên, trong tổng số 7.765 mộ liệt sĩ đã được an táng tại các nghĩa trang trong tỉnh, chỉ có hơn 581 mộ có đầy đủ thông tin, 3.936 mộ thiếu thông tin và 3.248 mộ chưa biết thông tin. Trước tình hình số mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin và chưa biết thông tin chiếm tỷ lệ lớn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xin ý kiến và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận, đã hoàn thành lấy 3.518 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại 03 nghĩa trang địa bản tỉnh (nghĩa trang tỉnh: 2.369 mẫu; nghĩa trang Tầm Vu: 330 mẫu; nghĩa trang thành phố Ngã Bảy: 819 mẫu) gửi về Trung ương xây dựng ngân hàng gen phục vụ công tác giám định ADN khi thân nhân liệt sĩ có yêu cầu.
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) Tỉnh đã tổ chức các hoạt động như thành lập đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN thăm, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên (còn sống; sức khỏe yếu, không về dự buổi họp mặt người có công cấp tỉnh); hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; thăm, tặng quà cho người có công với cách mạng đang điều trị bệnh tại các Bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh; Viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; Họp mặt người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ,…

Đại diện Bộ LĐTBXH trao tặng phần quà đến các đại biểu NCC tiêu biểu tỉnh Hậu Giang và Trà Vinh
Cũng tại buổi tiếp, các đại biểu người có công tỉnh Hậu Giang và Trà Vinh đã trình bày tâm tư tình cảm của mình khi được đến thăm trụ sở Bộ LĐTBXH và có một số kiến nghị với lãnh đạo Cục Người có công về vấn đề nâng mức chuẩn thực hiện trợ cấp cho đối tượng chính sách NCC để đối tượng ổn định cuộc sống.
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Xuân Long đánh giá cao những kết quả đã đạt được của tỉnh Hậu Giang và Trà Vinh trong công tác chăm sóc người có công. Phó Cục trưởng Cục Người có công đã thông tin đến các đại biểu người có công tiêu biểu của 2 tỉnh về một số kết quả nổi bật của Bộ LĐTBXH trong công tác chăm sóc NCC. Theo đó, trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/2022) vừa qua, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà người có công và các gia đình chính sách; Tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và Gặp mặt 450 đại biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ toàn quốc năm 2022 tại thành phố Hà Nội; Chương trình cầu truyền hình trực tiếp tại 5 điểm cầu: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Giang, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Bình Định; Lễ phát động, vận động xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương tại Hà Nội; Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình liệt sĩ tại tỉnh Nghệ An...
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong năm 2021, Bộ LĐTBXH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định: Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã thể chế hóa nhiều nội dung mới được quy định trong Pháp lệnh năm 2020 và Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các cơ sở nuôi dưỡng điều dưỡng người có công với cách mạng. Cụ thể, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của quy hoạch này được lập nhằm hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Cuối cùng, Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Long mong muốn và tin tưởng các đại biểu người có công tỉnh Hậu Giang và Trà Vinh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cao đẹp của bản thân và gia đình trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đổi mới và phát triển. Thay mặt lãnh đạo Bộ, Phó Cục trưởng Cục Người có công đã trao tặng quà và gửi lời chúc chuyến đi của Đoàn vui khỏe, an toàn, thành công tốt đẹp.

Đoàn đại biểu NCC tỉnh Hậu Giang chụp ảnh lưu niệm
Đoàn đại biểu NCC tỉnh Trà Vinh chụp ảnh lưu niệm