“Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng. Đây là chính sách đặc thù gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc’’. Thứ trưởng Bộ lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Văn Thanh nhấn mạnh tại buổi tiếp Đoàn đại biểu Người có công tiêu biểu tỉnh Quảng Bình, diễn ra sáng 22/8.
Tham dự buổi tiếp có bà Đỗ Thị Hồng Hà – Phó Cục trưởng Cục Người có công; ông Trịnh Đình Dương - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình
Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Quảng Bình trong công tác chăm sóc người có công: “Mặc dù là một trong những tỉnh có số lượng người có công lớn nhất trên cả nước và bị ảnh hưởng nhiều từ lũ lụt đến thu nhập của người dân và việc thu ngân sách của địa phương. Song, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, công tác chăm sóc, ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được triển khai đồng bộ, toàn diện với nhiều kết quả nổi bật trong công tác chăm sóc NCC”.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu NCC tỉnh Quảng Bình
Nhân dịp Đoàn đại biểu NCC tiêu biểu tỉnh Quảng Bình tới thăm Bộ LĐTBXH, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã chia sẻ những kết quả nổi bật của Bộ trong việc xây dựng, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thời gian qua. Theo đó, trong năm 2021, Bộ LĐTBXH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định: Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã thể chế hóa nhiều nội dung mới được quy định trong Pháp lệnh năm 2020 và Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Trong công tác quản lý mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, hiện nay, cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ. Hàng năm, ở Trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, bảo đảm bền vững, trang trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về việc tôn vinh, thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng
Thứ trưởng Lê Văn Thanh trao tặng quà và gửi lời chúc chuyến đi của Đoàn vui khỏe, an toàn, thành công tốt đẹp
Đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, ngày 14/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1515/QĐ-TTg ban hành kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo, theo đó, đến năm 2030: Tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN được khoảng 20.000 mẫu hài cốt liệt sĩ; Phấn đấu xác minh, kết luận 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng.
Nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng điều dưỡng người có công với cách mạng, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của quy hoạch này được lập nhằm hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Liên quan đến Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, vừa qua cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm như tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công và gia đình liệt sĩ; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ. “Các hoạt động được tổ chức sâu rộng, thiết thực, trang trọng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc” – Thứ trưởng Lê Văn Thanh chia sẻ.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh mong muốn các đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình tiếp tục nỗ lực phấn đấu, là tấm gương quý để giáo dục thế hệ trẻ cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.
Tại buổi tiếp, các đại biểu NCC tỉnh Quảng Bình đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các cấp Đảng và Nhà nước nói chung và tập thể các cán bộ Bộ LĐTBXH nói riêng đã tạo điều kiện, quan tâm chăm sóc đời sống của NCC, tạo nhiều chính sách thuận lợi để NCC cải thiện và vươn lên trong cuộc sống.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh chụp ảnh kỷ niệm cùng Đoàn Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tiêu biểu tỉnh Quảng Bình
Tỉnh Quảng Bình có hơn 150.000 người có công với cách mạng (chiếm 17% dân số), trong đó có khoảng 13.000 liệt sĩ, 20.000 thương bệnh binh, trên 1.300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện có 10 Mẹ còn sống), 27 anh hùng LLVTND, anh hùng lao động (hiện có 8 người còn sống), 6.600 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 100.000 người được tặng huân, huy chương kháng chiến.
Hiện Tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho trên 21.000 người có công và nhân thân với số tiền chi trả trên 45 tỷ đồng/tháng, đảm bảo kịp thời, đầy đủ. Thực hiện tốt chế độ điều dưỡng chăm sóc sức khỏe cho gần 9.000 người có công và nhân thân người có công hằng năm theo quy định; mua bảo hiểm y tế cho 30.000 người có công; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình và chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi giáo dục – đào tạo,… cho nhân thân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh.
Toàn tỉnh có 85 nghĩa trang với 18.000 mộ liệt sĩ; 66 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 05 đài tưởng niệm và 05 đền thờ liệt sĩ. Hằng năm, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã trích ngân sách địa phương và huy động các nguồn khác hỗ trợ tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ, đảm bảo các công trình luôn được xanh, sạch, tôn nghiêm để người dân thăm viếng.
|