Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

HÀ GIANG VỀ LĨNH VỰC AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG, NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

20/01/2015

Tính đến tháng 12 năm 2011, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 1.210 doanh nghiệp và 699 hợp tác xã với gần 40 ngàn lao động, trong đó lao động làm việc tại các doanh nghiệp chiếm trên 70%. Chính vì vậy, việc hạn chế và ngăn ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN), cho người lao động nhằm bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng người lao động là rất cần thiết. Được sự hướng dẫn và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong thời gian qua, công tác BHLĐ của Hà Giang đã có nhiều bước chuyển biến tích cực góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, trong đó ngành Lao động – Thương binh Xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng.......

1. Hà Giang tăng cường các giải pháp trong công tác ATVSLĐ - PCCN

Tính đến tháng 12 năm 2011, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 1.210 doanh nghiệp và 699 hợp tác xã với gần 40 ngàn lao động, trong đó lao động làm việc tại các doanh nghiệp chiếm trên 70%. Chính vì vậy, việc hạn chế và ngăn ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN), cho người lao động nhằm bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng người lao động là rất cần thiết. Được sự hướng dẫn và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong thời gian qua, công tác BHLĐ của Hà Giang đã có nhiều bước chuyển biến tích cực góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, trong đó ngành Lao động – Thương binh Xã hội có vai trò  đặc biệt quan trọng.

Chỉ tính riêng trong năm 2011, Hà Giang có 8 vụ tai nạn lao động làm 08 người bị thương, không có trưởng hợp tử vong. Qua điều tra, xác minh, các cơ quan có thẩm quyền đã kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp có người bị tai nạn hoàn tất thủ tục hồ sơ, giải quyết chế độ trợ cấp theo quy định cũng như đưa ra nhiều kiến nghị, yêu cầu người sử dụng lao động phải có biện pháp khắc phục thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy phạm trong quá trình làm việc hoặc có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân người lao động vi phạm quy trình sản xuất để xẩy ra TNLĐ.

Nhằm tạo được sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động về công tác ATVSLĐ - PCCN, Ban Chỉ đạo ATVSLĐ tỉnh đã ban hành kế hoạch hướng dẫn tổ chức thực hiện Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ – PCCN và Sở Lao động - TBXH là cơ quan Thường trực đã ban hành nhiều văn bản gửi 11 huyện, thị xã và các đơn vị thực hiện. Đặc biệt, việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác ATVSLĐ - PCCN được Ban Chỉ đạo quan tâm, thông qua hình thức tổ chức huấn luyện công tác ATVSLĐ - PCCN cho các cán bộ quản lý tại cơ sở; chủ động phối hợp với các đơn vị liên qua trong việc thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện công tác ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Từ các làm này đã có tác động đến điều kiện làm việc của người lao động tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế của tỉnh đều đảm bảo và được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mua sắm máy móc thiết bị để sản xuất, giảm cường độ lao động cho công nhân, mua sắm trang bị bảo hộ lao động và có nhiều sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc có hiệu quả tốt, do đó đã có tác dụng nâng cao năng suất, chất lượng lao động, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo sức khoẻ, việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm thiểu các rủi ro trong quá trình lao động sản xuất.

Trong năm 2011, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 5 lớp huấn luyện nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác an toàn vệ sinh lao động cho 352 người là cán bộ các xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, các ngành chức năng đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức huấn luyện cho 1.298 lao động người lao động tại 25 doanh nghiệp và cấp 1.017 thẻ an toàn. Bên cạnh đó, Liên đoàn lao động tỉnh phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra chấm điểm phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” tại một số doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp đã lập kế hoạch và biện pháp để cải thiện điều kiện và môi trường lao động, trồng cây xanh, xây dựng vườn hoa, cây cảnh, đường sá... có quy chế quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường. Tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp đã duy trì và tổ chức có hiệu quả hoạt động của mạng lưới An toàn vệ sinh viên ở cơ sở, góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa, hạn chế TNLĐ và BNN.

Các chế độ, chính sách về BHLĐ tại Hà Giang đã được các cấp, các ngành và các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, thực hiện tốt các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trang bị phương tiện BHLĐ cho công nhân, thực hiện bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật đối với những người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong đó, chú trọng đến công tác thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ theo quy định như giảm thời gian làm việc, khu vệ sinh cá nhân, sắp xếp công việc phù hợp...

Nhìn chung, trong năm qua, công tác BHLĐ trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được kết quả tốt, cụ thể là đã nâng cao được nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động trong việc thực hiện các nội dung của công tác BHLĐ, ổn định quan hệ sản xuất, tạo ra môi trường lao động an toàn thuận lợi góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, hạn chế tai nạn lao động xảy ra. Các hoạt động, phong trào về BHLĐ được duy trì, đẩy mạnh và tổ chức kịp thời với nội dung sát thực, phù hợp được các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị hưởng ứng tham gia.

Tuy nhiên, công tác ATVSLĐ - PCCN tại Hà Giang vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế do công tác tuyên truyền về công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ tại một số địa phương, doanh nghiệp và bản thân người lao động chưa thực sự quan tâm. Thậm chí ngay tại các lớp tập huấn một số cán bộ tham dự chưa tập trung hoặc sau khi kết thúc không tổ chức quán triệt, phổ biến cho người lao động về nội dung của công tác này.

Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp trong công tác ATVSLĐ trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội, Nguyễn Thanh Long cho biết: “Nhằm hướng tới mục tiêu vì một môi trường làm việc an toàn của người lao động, Hà Giang đã đề ra một số giải pháp cụ thể, trong đó sẽ tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của tỉnh, của các cấp, các ngành cũng như sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp đối với việc thực hiện công tác BHLĐ. Tập trung rà soát, xây dựng và hoàn thiện kế hoạch chương trình công tác BHLĐ với những mục tiêu, nội dung và biện pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, của từng ngành và từng đơn vị doanh nghiệp để triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, chủ động tuyên truyền, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và các hoạt động khác về lĩnh vực này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, huấn luyện, cấp thẻ an toàn lao động về công tác bảo hộ lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh theo quy định. Tăng cường công tác huấn luyện PCCC, củng cố các đội phòng cháy chữa cháy tại cơ sở. Tiếp đó, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn phải thành lập, kiện toàn và phát triển Hội đồng BHLĐ, mạng lưới An toàn vệ sinh viên cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hộ lao động tại cơ sở. Tổ chức huấn luyện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động. Đẩy mạnh phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, chú trọng tổ chức thực hiện tốt Tuần lễ quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ vào tháng 3 năm 2012 và hàng năm. Phát động các đợt thi đua thực hiện công tác BHLĐ, thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo 2 chiều nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục sự cố có các biện pháp chỉ đạo cụ thể. Thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết việc thực hiện công tác BHLĐ, khen thưởng và nhân rộng những điển hình cũng như xử lý các trường hợp vi phạm quy trình sản xuất gây thiệt hại về người và tài sản...”

Vũ Đậu

2. Đoàn đại biểu tỉnh Phú Thọ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Vị Xuyên – Hà Giang

Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2012), ngày 11-7, đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Phú Thọ do đồng chí Bùi  Minh Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dẫn đầu đã đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.

Đồng chí Bùi Minh Châu và đoàn đại biểu thắp hương tại các phần mộ

Đồng chí Bùi Minh Châu và đoàn đại biểu thắp hương tại các phần mộ

Cùng đi còn có các đồng chí:  Hà Kế San - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Lê Thị Thúy Liên - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy , lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo Tỉnh Hà Giang, Huyện Vị Xuyên.

Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên tỉnh Hà Giang là nơi yên nghỉ của hơn 1700 liệt sĩ hy sinh  trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, trong đó có 128 phần mộ các anh hùng, liệt sĩ của quê hương đất Tổ. Đoàn đại biểu tỉnh Phú Thọ và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã kính cẩn dâng hoa và thắp hương tại Đài tưởng niệm và phần mộ các liệt sĩ. “...Xin bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, trong đó có 128 nguời con của quê hương đất Tổ anh hùng. Thắp nén tâm nhang tưởng niệm các anh, chúng tôi, những thế hệ được thừa hưởng cuộc sống hoà bình, độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc xin sẽ kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng tỉnh Phú Thọ ngày càng giàu mạnh, văn minh xứng đáng là quê hương đất Tổ anh hùng” – Đồng chí Bùi Minh Châu nói.

Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh đồng chí Bùi Minh Châu trao tặng số tiền 10 triệu đồng cho Ban quản lý Nghĩa trang Vị Xuyên

Đồng chí Bùi Minh Châu trao tặng số tiền 10 triệu đồng cho Ban quản lý Nghĩa trang Vị Xuyên

Bên cạnh hoạt động dâng hương, tưởng niệm tại nghĩa trang Vị Xuyên, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như tổ chức thăm viếng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của tỉnh thuộc xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì trong Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Viếng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ tỉnh Điện Biên. Dâng hương tưởng niệm, thắp nến tri ân tại tất cả các nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm liệt sỹ và các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra Phú Thọ còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà tại các khu điều dưỡng thương binh, bệnh binh nặng tại các trung tâm điều dưỡng thương binh trên toàn quốc có đối tượng là người tỉnh Phú Thọ đang điều trị, điều dưỡng thường xuyên như:  Trung tâm Điều d­ưỡng Thương binh Lạng Giang- Bắc Giang; Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành- Bắc Ninh;  Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan - Ninh Bình; Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng - Hà Nam;  Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên - Hà Nam; Trung tâm Kỹ thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng, phường Xuân Khanh, Sơn Tây, Hà Nội và rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa  khác hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ.
 

3. Hà Giang: Tập trung nguồn lực cho các xã thuộc huyện “30a”

Với mục tiêu đến hết năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 8 xã đạt tiêu chí về nông thôn mới, tỉnh Hà Giang đã đặc biệt ưu tiên cho các xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

 

Các xã này gồm: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Theo kế hoạch trên, trước mắt Hà Giang sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư, hỗ trợ theo quan điểm toàn diện, hoàn thành dứt điểm từng thôn, từng xã; ưu tiên thực hiện đầu tư cho 40 xã điểm. Đồng thời, tỉnh bố trí từ nguồn ngân sách T.Ư để hỗ trợ lãi suất theo chương trình 30a.

Cụ thể, hỗ trợ 100% giá giống đối với sản xuất ngô; 50% giá giống đối với sản xuất khoai tây, khoai lang và các loại rau hàng hoá. Trong trường hợp các hộ sản xuất có nhu cầu vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất cây trồng vụ đông, ngân sách sẽ hỗ trợ 100% lãi suất trong 12 tháng để các hộ đầu tư mua giống, phân bón. Mức đầu tư hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ.

Riêng với các xã xây dựng nông thôn mới không thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a như các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê và TP.Hà Giang, tỉnh Hà Giang đã đề ra chính sách: Đối với các hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi trâu, bò được hỗ trợ kinh phí mức 1,2 triệu đồng/con/năm; ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ 50% lãi suất trong vòng 24 tháng cho hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi, kể từ ngày giải ngân theo hợp đồng tín dụng với mức vay tối đa là 20 triệu đồng; hỗ trợ 100% lãi suất trong thời hạn 36 tháng đối với những hộ gia đình nghèo chưa có trâu, bò giống sinh sản để mua giống với mức vay tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ.

Ngoài ra, các hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi không thuộc địa bàn của các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ sẽ được hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng trong thời hạn 36 tháng để làm chuồng trại chăn nuôi trâu, bò hàng hoá với mức hỗ trợ lãi suất tối đa là 50 triệu đồng.


 




 


 
Xem