Bình Thuận hiện có trên 300.000 lao động ở nông thôn, trong đó, lao động qua đào tạo nghề mới chiếm gần 20%. Đa số lao động ở nông thôn thường sản xuất theo tập quán, mùa vụ. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất không nhiều, dẫn đến năng suất lao động chưa cao, hiệu quả thấp, thu nhập và đời sống một bộ phận lớn nông dân còn khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Bình Thuận đã chủ động kết hợp với nhiều cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho nông dân với mục đích giúp cho người nông dân tạo ra năng suất cao và hiệu quả trên cùng diện tích canh tác. ........
1. Giảm nghèo ở Bình Thuận: Kết quả và định hướng
Bình Thuận là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 7.828 km2, với dân số khoảng 1,2 triệu người, thuộc vùng khô hạn nhất cả nước, thiên tai, hạn hán thường xuyên xảy ra khiến công tác xóa đói giảm nghèo gặp không ít khó khăn. Trước năm 2006, toàn tỉnh có tới 45 xã nghèo và 20 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng này chiếm trên 50%. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 14 về xóa đói giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng xã nghèo và hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; Nghị quyết 04 về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua hơn 5 năm triển khai, thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Bình Thuận đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận.
Toàn tỉnh giảm 21.384 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 14,24% đầu năm 2006 xuống còn 3,9% vào cuối năm 2010 (đạt 128,2% chỉ tiêu chương trình đề ra), bình quân mỗi năm giảm 2,07%. Đời sống của nhân dân ở xã nghèo, vùng nghèo được nâng lên rõ rệt.
Cũng trong giai đoạn này, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã góp phần hỗ trợ xây dựng 14.335 căn nhà (dân tộc kinh 8.713 căn; dân tộc thiểu số 5.622 căn), với tổng kinh phí hỗ trợ 80 tỷ đồng. Về hoạt động tín dụng giúp các hộ nghèo vay vốn, toàn tỉnh đã huy động được 348 tỷ đồng, giải quyết cho 74.000 lượt người nghèo vay 578 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh; tổng dư nợ đến cuối năm 2010 là 316.924 tỷ đồng/41.304 hộ. Giải quyết cho 17.500 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo và cận nghèo vay 152 tỷ đồng. Nhằm tạo điều kiện giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên trong cuộc sống, đến cuối năm 2010, toàn tỉnh đã cấp được 4.755 ha đất sản xuất cho 4.037 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, bình quân 1,18 ha/hộ; giao khoán 86.390,68 ha rừng cho 2.358 hộ quản lý bảo vệ, thu nhập bình quân là 3,6 triệu đồng/năm; giải quyết cho 3.160 hộ vay 22,035 triệu đồng mua 4.680 con bò để phát triển chăn nuôi. Trong 5 năm, có 576.065 lượt người nghèo được cấp thẻ BHYT; 635.828 lượt người nghèo khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, với tổng kinh phí 29,6 tỷ đồng; có 5.222 lượt người nghèo được miễn giảm viện phí với số tiền là 1,8 tỷ đồng.... Cùng với đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng được hàng trăm công trình thiết yếu như: Thủy lợi, điện, đường, trường, trạm y tế, chợ nông thôn từ nguồn vốn ngân sách tập trung, vốn Chương trình 135, vốn định canh, định cư và các nguồn vốn huy động khác.
Điểm nổi bật của công tác xóa đói giảm nghèo trong những năm qua của tỉnh Bình Thuận là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, cá nhân và các doanh nghiệp trong việc tham gia các phong trào như: cuộc vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, ngày Vì người nghèo. Có thể khẳng định, đời sống vật chất và tinh thần cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được nâng lên đáng kể. Các nguồn lực xã hội phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo được huy động ngày càng nhiều và đa dạng hơn. Các chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, gắn với công tác khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển đổi tập quán canh tác lạc hậu; thực hiện các chính sách trợ giúp về bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, học nghề, việc làm, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các chính sách an sinh xã hội khác đã được các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo qua từng giai đoạn giảm đáng kể. Đáng chú ý là, thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội, nhiều người nghèo, hộ nghèo bằng chính sự nỗ lực của mình đã vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Tình hình dân sinh, kinh tế - xã hội ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã nghèo, xã bãi ngang ven biển và hải đảo có bước chuyển biến đáng kể. Lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác xóa đói giảm nghèo cũng còn một số hạn chế do khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, miền, giữa các nhóm hộ có xu hướng ngày càng nới rộng; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, nguy cơ tái nghèo còn lớn; nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển. Kết cấu hạ tầng xã nghèo, vùng nghèo tuy được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn còn thiếu, yếu và chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi nội đồng… Việc triển khai thực hiện một số chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ xã nghèo, hộ nghèo, người nghèo chưa đồng bộ, lúng túng và khó khăn, nhất là các chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và hướng dẫn cách làm ăn chưa được triển khai thường xuyên, chưa sát hợp với điều kiện thực tế và trình độ của người dân ở từng xã nghèo, vùng nghèo.
Ngoài những nguyên nhân khách quan về thiên tai, hạn hán thường xuyên xảy ra khiến công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh gặp không ít khó khăn, về chủ quan còn do việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo của các cấp, các ngành có lúc, có việc, có nơi chưa được tập trung đúng mức. Ý thức vươn lên để thoát nghèo trong một bộ phận nhân dân chuyển biến chậm; còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và của cộng đồng. Đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo vừa thiếu, vừa yếu; vai trò tham mưu còn chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, do một bộ phân nhân dân còn thiếu vốn; thiếu đất, thiếu phương tiện, kiến thức và kinh nghiệm sản xuất; có gia đình do thiếu sức lao động, con đông.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, trong những năm tới, tỉnh Bình Thuận đang cố gắng phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5 - 1,7%/năm; đến cuối năm 2015, có trên 90% số hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc đang ở nhà tạm (theo kết quả điều tra năm 2011) sẽ được hỗ trợ về nhà ở. Hiện tỉnh đang tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp như: Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo, vùng nghèo; giúp hộ nghèo có ý thức phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Thực hiện lồng ghép các chương trình, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực do Nhà nước đầu tư; đồng thời, thu hút các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vào các xã nghèo, vùng nghèo. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, kè biển chống xâm thực…; thực hiện tốt chương trình tín dụng ưu đãi, đẩy mạnh công tác khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác dạy nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhất là ở nông thôn, miền núi và vùng đô thị hóa. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi với người nghèo, hộ nghèo và cận nghèo, nhất là chính sách giáo dục, y tế. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung chính sách về hỗ trợ đất ở cho những hộ nghèo không có đất ở. Làm tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Quan tâm chăm lo đời sống văn hóa ở các vùng nghèo, xã nghèo, gắn với tiếp tục triển khai tốt cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, kêu gọi và khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân tham gia hưởng ứng các hoạt động từ thiện, nhân đạo bằng nhiều hình thức. Phát động mạnh mẽ phong trào thi đua, tự vươn lên thoát nghèo trong toàn tỉnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo có hiệu quả
Đặc biệt, mỗi địa phương phải nắm chắc hộ nghèo, hộ cận nghèo ở từng địa bàn để có biện pháp hỗ trợ thích hợp giúp họ tiếp tục vươn lên. Tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể nhân dân các cấp trong tỉnh; đẩy mạnh các cuộc vận động, kết hợp nhiều biện pháp, hình thức triển khai để huy động mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Thực hiện đưa bộ tiêu chí giảm nghèo vào bộ tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của chính quyền đơn vị hàng năm.
2. Thấy gì sau 2 năm thực hiện Quyết định 1956 tại Bình Thuận
Bình Thuận hiện có trên 300.000 lao động ở nông thôn, trong đó, lao động qua đào tạo nghề mới chiếm gần 20%. Đa số lao động ở nông thôn thường sản xuất theo tập quán, mùa vụ. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất không nhiều, dẫn đến năng suất lao động chưa cao, hiệu quả thấp, thu nhập và đời sống một bộ phận lớn nông dân còn khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Bình Thuận đã chủ động kết hợp với nhiều cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho nông dân với mục đích giúp cho người nông dân tạo ra năng suất cao và hiệu quả trên cùng diện tích canh tác.
Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án 1956, đến nay cơ bản các địa phương trên địa bàn đã triển khai theo đúng nội dung và kế hoạch. Một số mô hình thí điểm các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp đã đạt những kết quả khả quan, điển hình là mô hình trồng, chăm sóc cây Thanh Long theo tiêu chuẩn VietGap và may công nghiệp. Trong đó, mô hình nông nghiệp được thự hiện ở thôn Phú Thái, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc với thời gian đào tạo là 02 tháng cho 30 người, trong đó có 11 học viên thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, 19 học viên là lao động nông thôn khác có nhu cầu học nghề. Trung tâm dạy nghề huyện Hàm Thuận Bắc trực tiếp tổ chức giảng dạy và cuối khóa học tổ chức kiểm tra 2 nội dung kiến thức và kỹ năng nghề và trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho 29 học viên.
Sau khi xác định nhu cầu học nghề này của người dân là rất lớn, do đó trong tháng 12 năm 2010, Trung tâm dạy nghề Hàm Thuận Bắc tiếp tục tổ chức và triển khai tiếp 02 lớp với trên 60 người tham gia. Năm 2011, nhiều lao động nông thôn ở các địa phương lân cận biết được thông tin cũng nộp đơn tham gia với 4 lớp cho trên 100 người học nghề trồng và chăm sóc cây Thanh Long theo tiêu chuẩn VietGap. Đến nay, toàn huyện đã mở được 13 lớp với gần 400 học viên theo học…
Đối với mô hình phi nông nghiệp, được tổ chức tại Công ty Cổ phần May Bình Thuận - Nhà Bè, thị xã La Gi đã thu hút 60 người tham gia học nghề (55 học viên nữ), do Trung tâm dạy nghề thị xã La Gi trực tiếp tổ chức giảng dạy và Công ty Cổ phần May Bình Thuận Nhà Bè phối hợp quản lý tổ chức đào tạo và thực hành trên dây chuyền sản xuất. Trong quá trình học tập, giáo viên thường xuyên kiểm tra kiến thức và tay nghề của học viên và làm bài kiểm tra về kiến thức và kỹ năng nghề. Kết thúc khóa học có 58 học viên được cấp giấy chứng nhận
Những năm qua, mô hình dạy nghề lưu động cho nông dân, nhất là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa… đã được các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, thị xã La Gi phối hợp tổ chức các lớp đào tạo ngắn ngày truyền đạt kỹ năng trồng, chăm sóc cao su, cây thanh long, đan lát, dệt thổ cẩm, may công nghiệp…, tạo điều kiện cho lao động nông thôn có kiến thức mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Bên cạnh đó, các trung tâm còn liên kết, phối hợp với các trường cao đẳng, đại học, trung tâm, trạm trại khuyến nông, khuyến ngư, đào tạo các lớp chuyên ngành xây dựng dân dụng, may công nghiệp, tin học văn phòng, cơ khí, điện, lái xe, thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi, thú y, trồng trọt, mộc dân dụng… chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn cho nông dân. Nhờ vậy, hơn 70% lao động ở nông thôn sau học nghề có việc làm ổn định.
Bằng mô hình dạy nghề lưu động, các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, La Gi, Tuy Phong bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 3.000 – 4.000 lao động, trong đó khoảng 70 - 90% lao động sau khi học có việc làm phù hợp, ổn định, góp phần tăng thu nhập, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Nhằm tiếp tục nâng cao trình độ của giáo viên, 2 năm qua Bình Thuận đã đào tạo bồi, dưỡng 184 giáo viên dạy nghề và người dạy nghề, trong đó, cấp chứng chỉ sư phạm dạy nghề (121 người), bồi dưỡng kỹ năng dạy học (63 người)... Riêng năm 2011 đã bổ sung 17 biên chế giáo viên cơ hữu cho các Trung tâm dạy nghề cấp huyện. Hiện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo lấy ý kiến các sở, ban, ngành liên quan về Chương trình “Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020” dự kiến trình UBND tỉnh ban hành đầu năm 2012.
Về xây dựng cơ sở vật chất và thực hiện mua sắm trang thiết bị dạy nghề, năm 2010 đã mua sắm trang thiết bị cho TTDN Bắc Bình 800 triệu đồng (các nghề Mộc dựng dân dụng, Cắt gọt kim loại), TTDN Hàm Hàm Thuận Bắc 500 triệu đồng (nghề Cắt gọt kim loại), TTDN Hàm Tân 700 triệu đồng (các nghề Điện dân dụng, May công nghiệp), Trung tâm CB-GDLĐXH 500 triệu đồng (các nghề Uốn tóc, Điện dân dụng, May công nghiệp), Trường Trung cấp nghề Bình Thuận trên 5,4 tỷ đồng (các nghề Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại, Điện công nghiệp, Lập trình máy tính). Năm 2011 tổng kinh phí phân bổ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề trên 5 tỷ đồng, trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho 03 Trung tâm dạy nghề là La Gi, Bắc Bình và Phú Quý. Ngoài ra, tỉnh còn bổ sung trang thiết bị cho Trung tâm dạy nghề huyện Tuy Phong và Trung tâm dạy nghề huyện Đức Linh với giá trị trên 2 tỷ đồng. Đặc biệt, Bình Thuận sẽ đầu tư khoảng 7 tỷ đồng cho trường Trung cấp nghề đồng thời, phân bổ 400 triệu đồng kinh phí biên soạn chương trình, giáo trình theo Quyết định của UBND tỉnh cho các cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh...
Mặc dù đã đạt được một số thành tích bước đầu song công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bình Thuận cũng còn không ít khó khăn do một bộ phận không nhỏ người lao động chưa có nhận thức đầy đủ về học nghề và việc làm nên đăng ký học nghề còn ít, hay là bỏ học giữa chừng làm ảnh hưởng đến kết quả dạy nghề. Đa số các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn đều tổ chức tại các địa bàn cách xa trung tâm (dạy lưu động) nên công tác giảng dạy của giáo viên và quản lý lớp gặp nhiều khó khăn trong khi điều kiện phục vụ chưa đảm bảo. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên cơ hữu của các TTDN cấp huyện tuy đã được bổ sung nhưng vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Trong khi đó, cán bộ chuyên trách quản lý Nhà nước về dạy nghề tại cấp huyện trình độ còn hạn chế và đa phần làm kiêm nhiệm
Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần triển khai thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015 của tỉnh với mục tiêu giải quyết việc làm cho 120.000 lao động (bình quân hàng năm 24.000 người), giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4%; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 55%. Trong đó, có chú ý đối tượng lao động ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển. Riêng năm 2012, Bình Thuận phấn đấu giải quyết việc làm cho 24.000 lao động, đào tạo nghề cho 15.500 lao động, trong đó có 12.800 lao động nông thôn được đào tạo, tăng 28% số lao động nông thôn được đào tạo nghề so với năm 2011, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 1956, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Thuận có một số kiến nghị như: Cần có chính sách hỗ trợ cho người nông dân ít nhất được học 2 nghề. Tổng cục dạy nghề sớm ban hành tiêu chuẩn của Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu để áp dụng cho Trung tâm dạy nghề Hàm Thuận Bắc và nhân rộng trong thời gian sắp tới, hướng dẫn định mức biên chế của TTDN công lập, để đảm bảo đội ngũ giáo viên cơ hữu cho các đơn vị này Tổng kết và áp dụng rộng rãi thực hiện việc cấp Thẻ học nghề cho lao động nông thôn để thuận lợi cho việc dạy và học nghề. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ về đầu tư cơ sở vật chất cho những Trung tâm dạy nghề thành lập trước năm 2009 và phương tiện vận chuyển, phục vụ cho việc dạy và học tại cơ sở. Tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng dịch vụ, sản xuất kinh doanh, xây dựng, du lịch... đi đôi với các biện pháp chế tài nghiêm minh để các cơ sở, đơn vị này khi sử dụng lao động phải được đào tạo nghề./.