Sáng ngày 6/11/2009, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động Quốc tế phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn báo cáo xu hướng lao động và xã hội Việt Nam 2009 nhằm lấy ý kiến rộng rãi, nhiều chiều của các cơ quan hoạch định chính sách, các đối tác xã hội, các học giả và nhà nghiên cứu, các cơ sở đào tạo… để có thể hoàn thiện và công bố báo cáo quan trọng này. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hoà và bà Rie Vejs Kjeldgaard, Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội đã đến dự hội thảo.
Báo cáo xu hướng lao động và xã hội Việt Nam 2009 do Viện Khoa học Lao động và Xã hội thực hiện bao gồm 4 chương. Chương thứ nhất cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế, nguồn lao động và xu hướng lao động việc làm và thị trường lao động cũng như những vấn đề về nghèo đói, bất bình đẳng giai đoạn 2000 – 2008. Chương thứ hai trình bày các vấn đề biến động gần đây do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đến thị trường lao động và các vấn đề xã hội của Việt Nam. Chương 3 bàn về những triển vọng và thách thức trong thời gian tới (2009 – 2015) trong thập kỷ việc làm bền vững châu Á. Những vấn đề còn là thách thức với Việt Nam như vấn đề tăng trưởng việc làm, năng suất lao động và cạnh tranh, quan hệ lao động và các vấn đề an sinh xã hội. Chương 4 là những khuyến nghị nhằm xây dựng chiến lược việc làm toàn diện, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm…
Đây là báo cáo đầu tiên của Việt Nam nhằm cung cấp thông tin thống kê về thị trường lao động mang tính cập nhật có sự so sánh quốc tế cho các cơ quan hoạch định chính sách của Chính phủ, các đối tác ba bên, các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu và các đối tác khác về xu hướng, thách thức và đề xuất chính sách về lao động xã hội, đặc biệt là việc làm, thị trường lao động trong thập kỷ việc làm bền vững.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà cho rằng: Sau 20 năm đổi mới, nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm nhanh, vị thế đất nước trên trường quốc tế được nâng lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng, bên cạnh cơ hội, nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã có những ảnh hưởng, tác động tới nền kinh tế Việt Nam kéo theo những biến đổi về xã hội, trong đó đặc biệt là vấn đề lao động – việc làm và xoá đói giảm nghèo.
Việc cập nhật thường xuyên những thay đổi, biến động của nền kinh tế, các vấn đề lao động – việc làm và các vấn đề xã hội là rất quan trọng để có căn cứ đưa ra những chính sách, những điều chỉnh thích hợp trong quản lý kinh tế, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội nhằm ổn định và phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập cũng đòi hỏi sự quảng giao và phổ biến những thông tin, kinh nghiệm của mỗi quốc gia cho cộng đồng các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặc dù vậy, cho tới nay ở Việt Nam chưa có báo cáo thường niên về vấn đề lao động và các vấn đề xã hội. Vì vậy, đây là cơ hội tốt cho chúng ta nghiên cứu và đưa ra một kết quả mang tính cập nhập thường xuyên, hàng năm về các vấn đề mà ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đang quản lý./.