Công ty TM & DV TSC cần tuyển không giới hạn số lượng lao động làm việc trên các tàu du lịch quốc tế với các điều kiện tuyển dụng rất “thoáng”; mức thu nhập của mỗi lao động có thể được 1.000 USD/tháng. Thế nhưng, trong 40 hồ sơ xin ứng tuyển thì đã có 39 lao động bị loại với lý do: yếu ngoại ngữ.Ông Nguyễn Văn Lân, Giám đốc Công ty TNHH New Powerscreen, cho biết việc tìm người giỏi ngoại ngữ để thay thế tiếp nhận điện thoại từ nước ngoài gọi về trong những lúc ông đi công tác là điều “vất vả” kéo dài trong mấy tháng qua... Theo các chuyên gia nhân sự, trình độ ngoại ngữ của người lao động hiện nay vẫn chưa tương xứng với nhu cầu thực tế, khi tiến trình hội nhập và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng cao.
Mất hai năm chưa xin được việc làm
Bạn H.Đ.P tốt nghiệp chuyên ngành Nhật ngữ một trường đại học ở Hà Nội. Năm 2001, bạn quyết tâm vào TPHCM tìm việc làm. Qua đủ mọi kênh tuyển dụng, hễ nghe nơi nào tuyển nhân viên có liên quan về tiếng Nhật là bạn nộp hồ sơ ngay. Các vị trí bạn xin ứng tuyển như quản lý sản xuất, phiên dịch, trợ lý... với mức lương thấp nhất cũng từ 200 USD/tháng trở lên. Thế nhưng, mất gần 2 năm “vác” hồ sơ đi phỏng vấn tại các KCX-KCN mà vẫn chưa nơi nào chấp nhận tuyển bạn làm việc với một lý do chung rất cơ bản mà doanh nghiệp (DN) “phán”: Trình độ Nhật ngữ không phù hợp, khả năng giao tiếp chưa trôi chảy... Một trường hợp khác. Ra trường với chuyên ngành quản trị kinh doanh loại khá (ĐH Kinh tế TPHCM), bạn N.T.M.H đã xin “đầu quân” đảm nhận chức danh trợ lý giám đốc cho một công ty chuyên lĩnh vực thương mại-xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ với mức lương tương đối khá so với các bạn cùng khóa. Những sở trường chuyên môn của H. được lãnh đạo công ty tin tưởng, đánh giá cao và công việc cũng “xuôi chèo mát mái”. Tuy nhiên, sau vài tháng làm việc, H. cũng không thể “trụ” nổi và “nói lời chia tay”. H. nói: “Cứ tưởng học như thế đã đủ, ai ngờ vốn ngoại ngữ của mình khi ra ngoài sử dụng lại không đáp ứng công việc thường xuyên phải giao tiếp với đối tác người nước ngoài!”. Bà Nguyễn Ngọc Minh Nguyệt, bộ phận nhân sự Công ty LG, nhìn nhận lao động mặc dù có chuyên môn giỏi nhưng yếu ngoại ngữ thì không thể tồn tại và phát triển lâu dài với DN.
Cơ hội thăng tiến: Vuột khỏi tầm tay
Việc lao động yếu ngoại ngữ cũng đã khiến cho nhiều DN gặp phải không ít khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh. Có nhiều đơn vị muốn đưa người đi nước ngoài đào tạo cũng không chọn được người phù hợp vì “nói tiếng bập bẹ thì làm sao tiếp xúc với đối tác, chuyên gia”. Ông Nguyễn Văn Lân cho biết trong kế hoạch tuyển dụng thường xuyên, công ty luôn cần một đội ngũ kỹ sư giỏi ngoại ngữ để đưa sang Singapore đào tạo, cập nhật thông tin lĩnh vực công nghệ mới. Thế nhưng, trong hàng trăm kỹ sư cơ khí nộp vào thì cũng chỉ có 10% ứng viên đáp ứng yêu cầu. Ông Lân cho rằng người lao động trong quá trình học tập, nếu không trang bị tốt ngoại ngữ thì chẳng những khó khăn trên đường xin việc làm mà còn bị vuột mất cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Theo bà Minh Nguyệt, hằng năm công ty có chương trình tuyển dụng nhiều sinh viên hầu hết các ngành kinh tế, kỹ thuật ... Tuy nhiên, lượng lao động tuyển được thì quá hiếm hoi cũng do một phần “rào cản” ngoại ngữ. Theo ông Nguyễn Văn Lân, vào thời điểm hiện nay, đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật ở nước ngoài sang Việt Nam làm việc với tỉ lệ khá lớn, nếu người lao động hạn chế về ngoại ngữ thì tương lai có thể bị tụt hậu trong môi trường hội nhập đầy cạnh tranh và năng động.Nguyễn Thạnh