Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Lo việc làm cho đồng đội

21/08/2004

ở thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện (Hải Dương), mọi người đều khâm phục ý chí và nghị lực của anh Bùi Xuân Dư, sinh năm 1953, thương binh 1/4. Anh Dư từng bị liệt nửa người gần 7 năm nhưng đã vượt qua khó khăn, trở thành giám đốc của một doanh nghiệp tạo việc làm ổn định cho 54 thương, bệnh binh trong huyện.

Năm 1989 anh Dư xuất ngũ trở về địa phương giữa lúc gia cảnh vô cùng khó khăn. Ngày đêm anh trăn trở với nỗi lo phải làm gì để giúp gia đình thoát đói nghèo. Như một duyên may, trong những lần điều trị vết thương tái phát ở Viện Quân y 108 (Hà Nội), anh được cụ Nguyễn Văn Luật- một nghệ nhân ghép trúc tạo hình ở phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội truyền nghề. Khi thành nghề cũng là lúc anh bị liệt nửa người bên trái, không cam chịu số phận, anh tập vận động bằng xe lăn rồi dần dần tự tập đi. Nhiều đêm không để vợ con biết, anh bò ra trước nhà bám tay vào cành cây vải đu người lên để tập, khi đã khá hơn thì chống nạng để tập đi. Anh cũng không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần cắn răng chịu đựng cơn đau khi bị ngã, có lần tay nạng đập vào miệng làm gãy răng. Nhờ quyết tâm và kiên nhẫn khổ luyện, đến năm 1999 anh đã tự chống nạng đi lại được nhưng bàn tay trái vẫn bị liệt. Sức khoẻ tạm ổn định, anh dồn tất cả vốn liếng, tập hợp một số anh em thương binh trong huyện, dạy cho họ nghề ghép trúc tạo hình và cùng làm ngay tại nhà mình với phương châm cùng làm cùng hưởng, sản phẩm bán được đến đâu thì mọi người có thu nhập đến đó. Anh lên tận Cao Bằng tìm nguồn nguyên liệu phù hợp. Lúc đầu, sản phẩm tiêu thụ khó khăn, công việc này lại đòi hỏi sự cần cù và chịu khó khiến một số người nản chí và bỏ việc. Không chịu thất bại, anh động viên những người còn lại vừa tiếp tục làm, vừa kiên trì tìm nơi tiêu thụ. Anh đã đi nhiều nơi tìm mối hàng và tận dụng mọi cơ hội chào hàng, nhờ vậy, sản phẩm dần có chỗ đứng trên thị trường. Anh em thương binh cũ xin quay trở lại làm việc và nhiều người tìm đến học nghề miễn phí. Anh phân công việc phù hợp với khả năng, sức khoẻ của từng người theo từng công đoạn trong quá trình sản xuất, đồng thời quy định công khai mọi hoạt động của cơ sở. Thu nhập ổn định đã đem lại niềm vui, thắt chặt sự đoàn kết của anh em thương binh như những ngày còn trong quân ngũ. Họ đã coi cơ sở sản xuất của anh Dư như ngôi nhà chung của mình. Hàng loạt tác phẩm nghệ thuật ghép trúc tạo hình được ra đời từ sự khéo léo và tài năng. Các mặt hàng luôn được cải tiến kiểu dáng, mẫu mã nên thu hút được sự chú ý của khách hàng. Tháng 1/2004, anh làm đơn xin UBND tỉnh cho thành lập Công ty TNHH Mạnh Hảo và được chấp thuận. Cũng từ đó, số thương binh trong huyện xin tham gia ngày càng nhiều. Đến nay, Công ty đã có 2 cơ sở sản xuất với 54 lao động có thu nhập ổn định từ 450- 600 ngàn đồng/tháng và hàng trăm lao động thời vụ. Các sản phẩm của Công ty đã tham gia nhiều cuộc triển lãm trong nước và nước ngoài như ở Niu-đê-li (ấn Độ) và nhiều lần được nhận Bằng khen của Bộ Văn hoá- Thông tin. 6 tháng đầu năm nay, công ty đã có doanh thu 600 triệu đồng, gần bằng cả năm 2003. Công ty đang mở rộng quy mô hoạt động, tuyển thêm 150 lao động, trong đó chủ yếu là thương binh, vợ con thương binh, những trẻ em khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam và lao động địa phương. Đây là những việc làm xuất phát từ tâm nguyện giúp đồng đội vơi đi những mất mát của chiến tranh và làm giàu cho quê hương.
Xem