Hội nghị giao ban các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lần thứ 9 vừa diễn ra tại Đồng Nai lại "nóng" với vấn đề quản lý lao động nước ngoài (LĐNN). Theo các nhà quản lý, đây là câu chuyện thời sự tại các KCN, KCX bởi những bất cập từ luật và việc thiếu hợp tác từ các doanh nghiệp khiến việc quản lý LĐNN luôn gặp khó khăn.
Không quản được việc doanh nghiệp (DN) đưa LĐNN vào làm việc ở vị trí lao động phổ thông là tình trạng rất phổ biến mà các Ban quản lý các KCN, KCX thừa nhận. Đại diện các Ban quản lý KCN, KCX đề cập rất nhiều đến sự gia tăng đột biến lượng lao động phổ thông là người nước ngoài. Lực lượng này nhập cảnh theo hình thức du lịch, được các DN, tổ chức tuyển vào làm thời vụ, giao kết hợp đồng lao động và làm việc khi chưa có giấy phép lao động. Ông Lê Minh Châu, Trưởng ban Quản lý các KCN Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: "Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu có gần 600 LĐNN, đa phần có quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan, làm việc trong ngành may mặc, giày da, da thuộc và phần lớn không có bằng cấp chuyên môn, chỉ có văn bản xác nhận 5 năm kinh nghiệm trong nghề và đang thực hiện công việc không đòi hỏi kỹ thuật cao". Nhiều DN chủ đầu tư là người Đài Loan, Trung Quốc sử dụng rất nhiều LĐNN không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn mà chỉ sử dụng lao động phổ thông, sau đó hợp thức hóa thủ tục xin cấp giấy lao động bằng cách chứng nhận nghề.
Ông Lê Đình Phước, Trưởng ban quản lý các KCN Lâm Đồng, cho rằng chính quy định LĐNN làm việc có thời hạn dưới 3 tháng không cần phải xin cấp giấy phép lao động đã tạo kẽ hở cho các DN, tổ chức lợi dụng đưa lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam. Hiện Lâm Đồng có khoảng 900 LĐNN nhưng chỉ 480 trường hợp được cấp phép, chiếm 64%.
Việc quản lý LĐNN hiện nay chỉ dựa trên tính tự giác chấp hành pháp luật của DN và bản thân người lao động, bởi việc nắm số lượng LĐNN hiện nay phụ thuộc vào các báo cáo của DN. "Đồng Nai hiện có gần 5.000 LĐNN, trong đó 3.952 lao động đã được cấp phép, chiếm 80%. Một số DN không thực hiện báo cáo định kỳ hoặc báo cáo tăng, giảm LĐNN như quy định khi các đối tượng này về nước hoặc chuyển nơi làm việc. Ngoài ra, do Việt Nam vẫn chưa có chế độ đăng ký sử dụng LĐNN tại các DN hoặc hệ thống quản lý LĐNN trên phạm vi cả nước cũng khiến cho công tác quản lý LĐNN chưa chặt chẽ" - ông Võ Thanh Lập, Trưởng ban quản lý các KCN Đồng Nai cho biết.
Theo ban quản các KCN các tỉnh, thành, hầu hết công nhân theo nhà thầu xây dựng đều là lao động phổ thông, không đủ điều kiện để cấp phép lao động. Dù biết đây là lao động "chui" nhưng kiểm tra xử lý, trục xuất là điều khó khăn vì hộ chiếu còn thời hạn ở Việt Nam. Các biện pháp chế tài về kinh tế cũng không đủ sức răn đe, mức phạt vẫn còn thấp khiến DN vi phạm sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục vi phạm.
Thêm vào đó, đa số các KCN chưa có khu vực dành riêng cho LĐNN nên phổ biến tình trạng DN tổ chức cho LĐNN lưu trú ngay tại DN. "DN nước ngoài xin phép xây dựng nhà nghỉ trưa cho công nhân nhưng thực tế bố trí cho LĐNN lưu trú ngay tại nhà máy, xưởng sản xuất nhằm giảm chi phí. Điều này vi phạm Nghị định 29/2008/NĐ-CP là trong KCN, KCX không có dân cư sinh sống. Tuy nhiên, Ban quản lý không thể kiểm tra, xử lý vì thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng lẫn những quy định xử phạt cụ thể" - đại diện Ban quản lý các KCN Bình Phước cho biết./.