Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Lồng ghép bình đẳng giới trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn Đồng Nai”. Hội thảo thu được nhiều ý kiến tham luận đồng tình phải tuyên truyền nâng cao nhận thức và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để thực hiện được thực chất của bình đẳng nam, nữ.
Thực trạng Bình Đẳng giới ở Đồng Nai
Theo báo cáo của Sở LĐ-TBamp;XH: hơn hai năm thực hiện Luật, Đồng Nai đã đạt và vượt khá nhiều chỉ tiêu đặt ra trong công tác bình đẳng giới. Một vài con số chứng minh rõ điều đó: đến hết tháng 6-2009 đã có 89,65% lao động nữ được giải quyết việc làm; 83,33% tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay vốn ưu đãi xóa nghèo; 94,85% tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề; tỷ lệ phụ nữ là cán bộ chủ chốt trong tổng số người được đào tạo trên đại học đạt 96,65%; 100% trẻ em gái tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6…; vượt các chỉ tiêu đề ra.
Một trong những nguyên nhân chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến xã nhất là trong việc nâng cao nhận thức của các cấp, ngành được nâng lên.
Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới cũng như tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển toàn diện không phải công việc dễ làm, nhất là đối với một đất nước vốn chịu ảnh hưởng khá nặng nề của tư tưởng phong kiến, trọng nam, khinh nữ. Thậm chí còn nhiều ý kiến cho rằng đây là một nét của “phong tục tập quán” không thể thay đổi. Mặt khác, những con số đánh giá trên mới chỉ ở phạm vi cấp tỉnh, trung tâm các huyện và trung tâm xã, thị trấn. Hiện trình độ học vấn, nghề nghiệp của phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn còn thấp so với nam giới, chưa đáp ứng yêu cầu của CNH-HĐH. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn khá phổ biến, gánh nặng công việc gia đình còn cản trở nhiều chị em. Một nữ cán bộ làm tại ngành giáo dục tâm sự: nhiều lúc đứng trước cấp dưới và đồng nghiệp bản thân phải tỏ ra hạnh phúc, mạnh mẽ nhưng thực chất công việc chồng chất, lại gặp tính gia trưởng của ông xã mà ngán không muốn phấn đấu…Tính gia trưởng không chỉ riêng nam giới mà một bộ phận không nhỏ chị em còn lạc hậu, chậm chuyển biến nhận thức về giới và quyền bình đẳng giới nên còn tự ti, thiếu tự tin trong phấn đấu vươn lên ở nhiều lĩnh vực hoạt động.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Đồng Nai đã có nhiều chính sách quan tâm công tác cán bộ nữ. Trước khi Luật có hiệu lực thì HĐND tỉnh đã có Nghị quyết 51/2005 về việc thông qua Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010 và dành hẳn một chương trình triển khai về đào tạo cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) nữ đã và đang thực hiện hiệu quả. Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở LĐ-TBamp;XH cho rằng: để lồng ghép giải quyết việc làm cho lao động nữ gắn với bình đẳng giới và đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh thì các ngành, các cấp cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động và thu hút nguồn lao động từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa về các đô thị và KCN. Bên cạnh đó, phải tổ chức thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, đối tượng, các chính sách và hoạt động của chương trình giải quyết việc làm và liên kết với thị trường lao động ngoài tỉnh để thu hút lao động nữ; tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, gắn đào tạo với sử dụng lao động, trong đó đặc biệt quan tâm lao động nữ và nghiên cứu các mô hình, cách thức tuyển dụng để phổ biến những mô hình hay về bình đẳng giới trong giải quyết việc làm cho lao động nữ thì mới bền vững.
Bác sỹ Huỳnh Cao Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng: một vấn đề cần nhanh chóng ngăn chặn tình trạng can thiệp lựa chọn giới tính khi sinh. Đây là một trong những yếu tố làm bất bình đẳng giới, nên ngành Y tế đang tập trung phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thực hiện các hoạt động và hoàn thiện hệ thống pháp luật về nội dung liên quan đến vấn đề giới tính khi sinh…
Hội thảo dù chỉ diễn ra trong vòng một ngày nhưng rất nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó nhấn mạnh là cần thực hiện đồng bộ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi cấp, ngành và toàn xã hội, kết hợp với giải pháp của từng sở, ngành và chính quyền các cấp để Luật được thực hiện hiệu quả trong cuộc sống, và bình đẳng nam, nữ được thực chất từ nhận thức đến hành động, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng, bình đẳng./.