Sáng ngày 26/12, tại trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2022. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình tham dự và chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục GDNN Kim Hồng Hưng cho biết năm 2022, có thể khẳng định công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp đã phản ánh đầy đủ, chân thực, kịp thời các hoạt động của giáo dục nghề nghiệp và các nhiệm vụ, sự kiện, hoạt động trọng tâm của GDNN, tập trung truyền thông các nội dung về gắn kết doanh nghiệp, phân luồng, đào tạo chất lượng cao... Qua đó, làm nổi bật 3 thông điệp “Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động - Vì một Việt Nam thịnh vượng”, “Giáo dục nghề nghiệp: Thực học - Thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai”, “Tương lai tươi sáng cùng giáo dục nghề nghiệp”.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN - TS Phạm Vũ Quốc Bình tại Hội nghị
Công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp đã được quan tâm, đóng góp tích cực trong việc hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của GDNN, công tác tuyển sinh, phân luồng định hướng được dư luận trong các vấn đề, kịp thời giải đáp thắc mắc của độc giả, đã có sự tương tác giữa độc giả và cơ quan quản lý nhà nước về GDNN.
Công tác thông tin tuyên truyền đã có chuyển biến rõ rệt ở cả Trung ương, địa phương và các cơ sở GDNN; truyền thông đã có tác động lớn đến các đối tượng người học, gia đình và người sử dụng lao động và phần nào làm thay đổi được nhận thức của học sinh, phụ huynh học sinh, doanh nghiệp, cả xã hội về GDNN.
Các cơ sở GDNN đã chủ động trong công tác truyền thông, xây dựng và phát hành các ấn phẩm truyền thông; số lượng, tần suất, chất lượng các bài viết về GDNN không ngừng tăng; nội dung đã định hướng, phản ánh được chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước trong GDNN. Nhiều cơ sở GDNN đã chủ động kết nối, gửi tin bài, ảnh, video... cho Tổng cục GDNN đăng tải, phổ biến, nhất là về các mô hình, tấm gương điển hình, tiêu biểu trong hoạt động GDNN
Trong năm 2022, hoạt động truyền thông của trên toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã ghi nhận những thành công đầy khích lệ. Hơn 500 bài báo được đăng tải, với khoảng 40 cơ quan báo chí tham gia đưa tin, bình luận.
Ở các địa phương, công tác truyền thông ngày càng được chú trọng, trong đó có khoảng 2/3 tỉnh, thành phố đã có trang thông tin dành riêng cho giáo dục nghề nghiệp. Các trường đào tạo trong hệ thống cũng nhận thức rõ hơn vai trò của việc xây dựng hệ thống thông tin, truyền thông nhằm phục vụ tuyển sinh, đào tạo, thu hút doanh nghiệp liên kết.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, những đóng góp trên mặt trận truyền thông đang là yếu tố then chốt tạo chuyển biến trong nhận thức của xã hội về hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động trong công tác truyền thông, xây dựng và phát hành các ấn phẩm truyền thông; nội dung đã định hướng, phản ánh được chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước trong giáo dục nghề nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động kết nối, gửi tin bài, ảnh, video... cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đăng tải, phổ biến, nhất là về các mô hình, tấm gương điển hình, tiêu biểu trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, một số hạn chế đã được chỉ ra, bao gồm: Chưa triển khai tổ chức được các chương trình lớn, game show về giáo dục nghề nghiệp; các chuyên mục chuyên sâu trên các cơ quan thông tấn báo chí chưa nhiều; truyền thông giáo dục nghề nghiệp tới vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Các chương trình phát thanh tiếng dân tộc chưa nhiều.
Nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2023, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh 5 nội dung.
Trong đó, nổi bật là: Tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động truyền thông và hình thức triển khai; tiếp tục thực hiện từng bước hình thành hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp với sự tham gia của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cơ sở đào tạo, người học, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội.