Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Những điểm mới trong nội dung Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần thứ 2

22/09/2009

Theo trình bày của Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại Hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo lần thứ 2 Bộ luật Lao động (sửa đổi) diễn ra trong hai ngày 21, 22/9/2009 tại Đồ Sơn, bố cục, nội dung, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần thứ hai có những điểm mới sau: Dự thảo gồm 17 chương, 281 Điều so với 224 Điều của Bộ luật Lao động hiện hành, có 82 Điều mới, 114 Điều sửa, 85 Điều giữ nguyên như qui định hiện hành.

Trong từng chương cụ thể có những điểm cần chú ý sau:

- Chương Quy định chung: Bổ sung đối tượng áp dụng là người tập nghề để làm việc cho doanh nghiệp. Ghi nhận quyền cử đại diện tập thể lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở. Ghi nhận quyền đóng cửa doanh nghiệp, quyền gia nhập hoạt động trong Hội nghề nghiệp của người sử dụng lao động.

- Chương Việc làm: Bổ sung thêm các quy định mới về trách nhiệm của người sử dụng trong việc tham gia giải quyết việc làm và trách nhiệm bảo đảm việc làm khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ, hoặc vì lý do kinh tế, hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hoặc chuyển người lao động làm việc khác trái nghề.

- Chương Hợp đồng lao động được cơ cấu lại thành 6 mục, trong đó bổ sung các nội dung mới như: Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ), trách nhiệm cung cấp thông tin khi tiến hành giao kết HĐLĐ; phụ lục HĐLĐ; HĐLĐ vô hiệu; HĐLĐ không trọn ngày, trọn tuần; HĐLĐ đối với công việc trong lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp; cho thuê lại lao động. Quy định khi nhận người lao động làm việc, người sử dụng lao động phải giao kết HĐLĐ và 1 tháng kể từ ngày NLĐ bắt đầu làm việc phải ký HĐLĐ bằng văn bản. Bảo hiểm xã hội trong trường hợp giao kết nhiều HĐLĐ. Các trường hợp NSDLĐ không được bắt ép NLĐ. Thử việc chỉ được một lần và theo thời hạn của HĐLĐ…

- Chương đào tạo, nâng cao trình độ nghề: Quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đào tạo nâng cao trình độ nghề cho người lao động; hợp đồng đào tạo nghề và chi phí dạy nghề. Doanh nghiệp tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc tại doanh nghiệp thì không được thu học phí và được miễn thuế. Tuổi học nghề, tập nghề để làm việc cho doanh nghiệp tối thiểu là 14. Người học nghề, tập nghề có thể được trả lương. Trách nhiệm báo cáo hàng năm về đào tạo của doanh nghiệp.

- Chương Thỏa ước lao động tập thể được cơ cấu thành 4 Mục, trong đó qui định thêm chủ thể đại diện tập thể lao động trong việc thương lượng và ký kết thỏa ước. Quy định Thương lượng tập thể là bắt buộc nhưng Thỏa ước là không bắt buộc; Nội dung, quy trình, hình thức của thương lượng tập thể. Không quy định cứng nhắc về nội dung của thỏa ước, những nội dung nào mà các bên đạt được thỏa thuận thì ghi vào thỏa ước. Quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể cấp ngành. Mối quan hệ hiệu lực giữa thỏa ước ngành và thỏa ước doanh nghiệp. Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, công đoàn, tổ chức đại diện NSDLĐ trong việc huấn luyện kỹ năng thương lượng, tham dự phiên họp thương lượng tập thể nếu có yêu cầu của hai bên

- Chương Tiền lương cơ cấu thành 3 mục: Quy định lương tối thiểu chung, vùng, ngành, theo giờ đối với một số công việc không có tính chất thường xuyên. Ghi nhận trách nhiệm của Hội đồng quốc gia về tiền lương trong việc xác định lương tối thiểu, xác định nguyên tắc xây dựng thang bảng lương; Quy định các yếu tố xác định lương tối thiểu. Đặt cọc bằng cách khấu trừ lương đối với một số loại công việc. Chính phủ chỉ quy định thang bảng lương trong doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn Nhà nước. Bổ sung quyền đăng ký thang, bảng lương của Ban quản lý khu công nghiệp.

- Chương Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được cơ cấu thành 3 mục, trong đó bổ sung khái niệm thời giờ làm việc ban đêm. Nâng mức thời giờ làm thêm tối đa lên 300 giờ. Quy định những trường hợp đặc biệt mà NSDLĐ có quyền huy động NLĐ làm thêm giờ. Sửa đổi kỹ thuật về thời giờ nghỉ ngơi như: nghỉ giải lao, chuyển kíp, thâm niên làm việc. Tăng số ngày nghỉ lễ, nghỉ về việc riêng.

- Chương Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất cơ cấu thành 3 mục, quy định tham khảo ý kiến đại diện tập thể lao động trước khi ban hành nội quy lao động. Quy định rõ trình tự, thủ tục đăng ký nội quy lao động. Bỏ hình thức kỷ luật: chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn. Bổ sung thêm: các hành vi áp dụng kỷ luật sa thải, lý do chính đáng của người lao động tự ý bỏ việc. Bổ sung những quy định cấm về xử lý kỷ luật lao động; nguyên tắc xử lý bồi thường thiệt hại.

- Chương An toàn lao động, vệ sinh lao động: Cơ cấu thành 4 mục quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, trách nhiệm bồi thường cho NLĐ bị tai nạn lao động theo theo tỷ lệ thương tật, tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động.

- Chương quy định riêng đối với người lao động nữ sửa đổi chi tiết các quyền của người lao động nữ và trách nhiệm của NSDLĐ sử dụng lao động nữ, qui định tăng thời gian nghỉ thải sản.

- Chương quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và lao động khác. Đối với người lao động chưa thành niên bổ sung thêm điều kiện của bố, mẹ và người giám hộ. Đối với người lao động cao tuổi, Chính phủ quy định trường hợp đặc biệt sử dụng người lao động cao tuổi. Thay đổi tên gọi “Người khuyết tật”; Quy định rõ tỷ lệ NLĐ là người khuyết tật, sử dụng NLĐ khuyết tật có tỷ lệ dưới 51%. Bỏ phần lao động cho các tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Đối với lao động nước ngoài tại Việt Nam: Quy định khái niệm người nước ngoài, điều kiện của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, điều kiện tuyển dụng người lao động nước ngoài.

Quy định về giấy phép lao động; điều kiện, thời hạn, hiệu lực, cấp, cấp lại giấy phép lao động.

- Chương Bảo hiểm xã hội chỉ có 4 Điều so với 12 Điều của Luật hiện hành; quy định theo hướng dẫn chiếu Luật Bảo hiểm xã hội. Bổ sung một điều về trách nhiệm cung cấp thông tin bảo hiểm xã hội.

- Chương Công đoàn, Đại diện tập thể lao động quy định về đại diện tập thể lao động ở doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn. Bổ sung các quy định về cơ chế bảo vệ người lao động làm BCH công đoàn, đại diện tập thể lao động, quyền thành lập công đoàn. Bổ sung trách nhiệm người sử dụng lao động cung cấp thông tin cho công đoàn, đại diện tập thể lao động. Quy định vai trò, trách nhiệm của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc hướng dẫn công đoàn cơ sở và tham gia hoạch định chính sách, pháp luật.

- Chương Giải quyết tranh chấp lao động được cơ cấu thành 5 mục trong đó qui định không cho phép Đình công về quyền. Hội đồng hoà giải cơ sở chỉ được giải quyết tranh chấp cá nhân. Quy định rõ Toà Lao động là Toà giải quyết tranh chấp lao động. Quy định quyền, điều kiện, các trường hợp cấm NSDLĐ thực hiện đóng cửa doanh nghiệp.

- Chương Quản lý Nhà nước về lao động ghi nhận về vai trò trách nhiệm của Uỷ ban Quan hệ lao động cấp quốc gia, cấp tỉnh. Bổ sung một số nhiệm vụ cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

- Chương Thanh tra Nhà nước về lao động, xử phạt vi phạm pháp luật lao động quy định về tỷ lệ nữ thanh tra viên.

- Chương Điều khoản thi hành gồm 4 Điều quy định về hiệu lực, thời điểm thi hành và trách nhiệm hướng dẫn thực hiện.


Xem