Thực hiện các nhiệm vụ về lao động để hoàn thành kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế 1955 – 1957. Ngày 15/5/1955 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 532/NĐ – TT thành lập Vụ Quản lý nhân công, giai đoạn này Bộ Lao động thực sự làm chức năng quản lý nhà nước thống nhất về công tác dân công. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động ra Nghị định số 23/NĐ – LĐ ngày 6/4/1957 xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Bộ cũng như các tổ chức cấu thành của Bộ gồm: Văn phòng, 5 Vụ, Ban và Phòng trực thuộc Bộ, Bộ chú trọng “tích cực xây dựng và kiện toàn bộ máy từ Trung ương đến địa phương, đi đôi với việc giáo dục, bồi dưỡng cán bộ và mạnh dạn đề bạt cán bộ có năng lực phụ trách những công việc mới”.
Đối với địa phương, Bộ ban hành Nghị định thành lập các liên khu lao động (Liên khu 4, liên khu 3, Việt Bắc, Tây Bắc), 21 Sở, Ty Lao động, 9 phòng Lao động thuộc các tỉnh còn lại. Riêng các tỉnh phía Nam, do Mỹ ngụy chiếm đóng nên không tổ chức được cơ quan lao động địa phương.
Chuyển sang giai đoạn cải tạo phát triển kinh tế và văn hóa (1958 – 1960) , toàn bộ công tác lao động, tiền lương được hướng vào phục vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, phục vụ phát triển sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân lao động. Về tổ chức bộ máy, cơ quan Bộ cũng có sự thay đổi. Ngày 14/2/1959, Bộ trưởng ra Nghị định số 7, sắp xếp lại tổ chức bộ máy cơ quan Bộ, gồm 4 đơn vị là Văn phòng, 2 Vụ và 1 Phòng.
Tháng 4/1959, Chính phủ đã ra Quyết định giải thể Bộ Cứu tế xã hội và giao cho Bộ Lao động phụ trách công tác bảo hiểm xă hội, cứu tế xă hội, cải tạo tệ nạn xă hội đối với lưu manh, gái điếm, nghiện hút … kể cả công tác an dưỡng nghỉ mát. Để đảm đương nhiệm vụ này, Bộ Lao động đã thành lập Vụ Cứu tế xã hội trực thuộc Bộ, (Nghị định 43/NĐ – LĐ ngày 6/6/1959).
Bước sang năm 1960, năm cuối cùng của Kế hoạch 3 năm cải tạo, phát triển kinh tế và văn hóa, Hội nghị toàn ngành Lao động đã đề ra nhiệm vụ: tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Bộ và địa phương, đồng thời bổ sung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ cho cán bộ, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ năm 1960 và chuẩn bị cán bộ cho Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Ngày 5/1/1960, Bộ trưởng Bộ Lao động đã ban hành Nghị định số 5/NĐ – LĐ về việc ổn định các Vụ, Ban trực thuộc Bộ.
Đối với các địa phương, cơ quan lao động cũng được tăng cường, một số phòng Lao động được chuyển thành Ty Lao động như ở Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn Tây … Một số Ty thành lập Phòng nghiệp vụ (Thanh Hóa, Tuyên Quang, Phú Thọ, Ninh Bình). Phòng Lao động được đặt thêm ở thị xã Nam Định, khu Việt Trì. Các Phòng Lao động trực thuộc Ủy ban hành chính cũng được củng cố.
Ngày 26/6/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 172/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động. Nghị định nói rõ: Bộ Lao động là cơ quan của hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác lao động tiền lương thuộc khu vực sản xuất và công tác an toàn xã hội theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; thanh tra việc thực hiện công tác lao động tiền lương, công tác an toàn xã hội của các cấp, các ngành nhằm sử dụng hợp lý sức lao động, đẩy mạnh tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của công nhân, nhân dân lao động, phục vụ tích cực cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Công tác cứu tế xã hội trong giai đoạn này cũng được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và thành lập Khu An dưỡng Thọ Châu (Quyết định 76/LĐ – QĐ ngày 27/7/1962); Trại dạy nghề cho người tàn tật, lấy tên là trại “Tân Tiến” (Quyết định 81/LĐ – QĐ ngày 28/10/1962).
Đầu năm 1963, để thực hiện việc phân công hợp lý nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả công tác cho các Bộ, Hội đồng chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/CP ngày 20/3/1963 điều chỉnh lại một sô nhiệm vụ giữa các Bộ Lao động, Nội vụ, Y tế, Công an và Tổng công đoàn Việt Nam. Riêng đối với lĩnh vực công tác lao động tiền lương, Hội đồng chính phủ ban hành Nghị định 187/CP ngày 20/11/1963 quy định lại nhiệm vụ, chức năng và quyền hạn của Bộ Lao động thay cho Nghị định 172/CP năm 1961.
Nghị định 187/CP quy định rõ: Bộ Lao động là cơ quan của Hội đồng chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác lao động tiền lương và bảo hộ lao động theo chính sách của Đảng và Nhà nước; thanh tra việc thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ về các mặt công tác lao động ở các ngành, các cấp nhằm bảo đảm sử dụng hợp lý sức lao động, an toàn lao động, đẩy mạnh tăng năng suất lao động, góp phần nâng cao dần đời sống vật chất và văn hóa của công nhân viên chức và nguồn lao động phục vụ tích cực cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà
|