Sáng ngày 21/04/2010, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể ủy ban lần thứ 11. Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội chủ trì phiên họp. Tham dự, có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hoà, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban: Lương Phan Cừ, Nguyễn Văn Tiên, Đặng Như Lợi, Bùi Sỹ Lợi; đại diện lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tư Pháp và Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam… cùng với các thành viên của Ủy ban và các đại biểu đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tại TP.Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc phiên họp, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội cho biết: Mục đích của phiên họp lần này nhằm nghe báo cáo, giải trình của Chính phủ về các nội dung chính như: việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới; đóng góp ý kiến báo cáo tiếp thu, giải trình về Dự thảo Luật người khuyết tật; báo cáo tình hình quản lý giá thuốc theo quy định của Luật dược; cho ý kiến về một số dự án luật và vấn đề giới trong một số dự án; cho ý kiến dự thảo báo cáo công tác của Ủy ban và cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng pháp luật năm 2011.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa – Thừa ủy quyền của Chính phủ đã trình bày chi tiết báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Sau bản báo cáo của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá và cho ý kiến. Điểm nổi bật của báo cáo lần này đã nêu được khá đầy đủ và toàn diện trong việc lồng ghép bình đẳng giới và việc ban hành các chính sách, pháp luật, cũng như các chương trình, kế hoạch của các dự án phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là xây dựng chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 và chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015.
Ông Lương Phan Cừ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban thì cho rằng: Nội dung của báo cáo tiếp tục đề cập dưới góc độ nhận định, đánh giá các hoạt động của Chính phủ trong việc triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới và việc thực hiện Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội hoan nghênh Chính phủ đã nghiêm túc chuẩn bị báo cáo khá công phu, trách nhiệm, cung cấp tương đối đầy đủ thông tin liên quan, nêu rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các biện pháp, kiến nghị về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Trong báo cáo có nhiều vấn đề được đánh giá khá cụ thể và chi tiết như công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và tập huấn kiến thức, kĩ năng về bình đẳng giới; tổ chức bộ máy thực hiện công tác bình đẳng giới.
Tại buổi họp, các đại biều cũng được nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật người khuyết tật. Dự thảo Luật người khuyết tật sau khi tiếp thu, chỉnh lý bao gồm 10 chương, 54 điều, trong đó đã bổ sung thêm một chương mới đó là Chương II: Xác nhận người khuyết tật gồm 6 điều quy định về trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, phương pháp, thủ tục xác định mức độ khuyết tật; việc xác định lại mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận.
Tại phiên họp, đa số đại biểu nhất trí cao và tán thành về Dự thảo Luật người khuyết tật lần này được chuẩn bị chặt chẽ và các nội dung, điều khoản quy định cụ thể về quyền và các chính sách ưu tiên người khuyết tật cụ thể hơn, phù hợp với thực tế hiện nay. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đặt câu hỏi và kiến nghị Chính phủ cần điều chỉnh một số điều khoản trong Dự thảo cần chặt chẽ hơn như: Tại các Điều 2, 4, 5, 8, 19, 35, 45 và Điều 50 về các từ ngữ, chính sách khen thưởng, việc làm và phương tiện giao thông để người khuyết tật tiếp cận được. Vấn đề nổi bật được các đại biểu quan tâm nhiều nhất là chính sách việc làm, bảo trợ xã hội, quyền của người khuyết tật cần được quy định cụ thể, rõ ràng trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Ủy ban các vấn đề và xã hội cần sớm xem xét và trình Quốc hội đưa dự thảo Luật Người khuyết tật vào kỳ họp tới để Quốc hội thông qua.
Sau khi nghe trình bày báo cáo và các ý kiến đại biểu đề xuất và kiến nghị tại phiên họp về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và Dự thảo Luật Người khuyết tật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhấn mạnh: Về cơ bản các báo cáo của Chính phủ lần này đã trình bày cụ thể và nêu ra được vấn đề trọng tâm và có tính thuyết phục cao. Bà Mai nhất trí cao với bản báo cáo của Chính phủ về mục tiêu quốc gia bình đẳng giới. Đồng thời bà Mai đề nghị Chính phủ, Bộ LĐ – TBXH-cơ quan tham mưu trực tiếp cho Chính phủ cần tiếp tục xây dựng cụ thể một số nội dung như: Tổ chức bộ máy làm công tác bình đẳng giới, đồng thời tổ chức bồi dưỡng, tập huần nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác này; Phối hợp với các Bộ để xây dựng chính sách ưu tiên lao động nữ.
Về Dự thảo Luật người khuyết tật, bà Trương Thị Mai đánh giá cao và cho rằng hiện nay dự thảo đã đủ điều kiện về mặt pháp lý, cũng như nội dung của luật để trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Tuy nhiên, bà Mai lưu ý một số vấn đề cần xem xét kĩ hơn nữa trong dự thảo như: Vấn đề việc làm, giấy xác nhận người khuyết tật; trợ cấp Bảo trợ xã hội và hệ thống giao thông đã đủ điều kiện và người khuyết tật tiếp cận được như thế nào? Hay vấn đề về quyền của người khuyết tật như quy định trong Dự thảo Luật có cần điều chỉnh gì thêm không. Do đó, trước khi dự thảo được trình Quốc hội, bà Mai đề nghị ban soạn thảo cần chuẩn bị lại một số nội dung trên cho phù hợp để sớm trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Ngày 22/04/2010, Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội tiếp tục nghe Chính phủ báo cáo, giải trình về chính sách xóa đói giảm nghèo; Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; nghe báo cáo về việc lấy ý kiến dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và cho ý kiến dự thảo báo cáo của Ủy ban Các vấn đề xã hội sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48 – NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.