Hướng tới việc làm bền vững tại Việt Nam

10/4/2022 5:02:00 PM

Hà Nội, ngày 04/10/2022, Tập huấn quốc gia lần thứ 2 về áp dụng Hướng dẫn ASEAN về Lồng ghép giới trong các chính sách lao động và việc làm hướng tới việc làm bền vững tại Việt Nam đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Chương trình Di cư an toàn và công bằng (Safe and Fair) tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh.


Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của Ban Thư ký ASEAN, đầu mối phụ trách hợp tác về lao động và phụ nữ của các nước thành viên ASEAN. Hội nghị cũng có sự tham dự trực tiếp của các đại biểu tại TP. Hồ Chí Minh, bao gồm đại diện của các đơn vị trực thuôc Bộ LĐTBXH, Hiệp hội Xuất khẩu lao động, Chương trình Safe and Fair và các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các cơ quan thông tấn báo chí.

3_1.jpg

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hướng dẫn ASEAN về lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm hướng tới việc làm bền vững là kết quả của dự án do Việt Nam chủ trì trong Kế hoạch làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch công tác của Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) giai đoạn 2016-2020. Cùng với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Hướng dẫn và Cẩm nang thực hiện Hướng dẫn đã được ghi nhận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11 năm 2020 và chính thức ra mắt tại Hội thảo khu vực do Việt Nam tổ chức vào tháng 5 năm 2021. 
Nhằm thúc đẩy việc áp dụng Hướng dẫn tại Việt Nam, Tập huấn lần thứ 1 đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức vào tháng 4 năm 2022 tại Hà Nội với đối tượng chính là các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ công đoàn. Tập huấn lần thứ 2 được tổ chức với đối tượng chính là các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, nhằm mục tiêu: (i) giới thiệu về Hướng dẫn và nâng cao nhận thức về lồng ghép giới cho người sử dụng lao động và (ii) thảo luận và lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Bảng câu hỏi về việc thực hiện lồng ghép giới tại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Phát biểu khai mạc Tập huấn, Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam khẳng định Hướng dẫn khu vực đã góp phần nâng cao năng lực và nhận thức về quyền lao động và bình đẳng giới, quan điểm giới trong các quyền cơ bản của con người và các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Theo đó, các quốc gia thành viên ASEAN đã nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện Hướng dẫn ở cấp quốc gia nhằm đánh giá tiến bộ về lồng ghép giới trong các chính sách lao động và việc làm trong những năm qua. Tại Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức Tập huấn áp dụng Hướng dẫn lần thứ 1 vào tháng 4 năm 2022 tại Hà Nội nhằm chia sẻ những tiến bộ về lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm tại Việt Nam, đồng thời thảo luận sâu hơn về thúc đẩy lồng ghép giới và khả năng xây dựng các tài liệu tương tự trong các lĩnh vực chuyên ngành khác ở Việt Nam trong thời gian tới. Ông Doãn Mậu Diệp cũng đề cập đến Bộ quy tắc ứng xử dành cho doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ban hành năm 2010 và cập nhật năm 2018 nhằm ngăn chặn lao động cưỡng bức, mua bán người, thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ người lao động, đặc biệt là nhóm yếu thế như lao động nữ.
Tại Phiên khai mạc,TS. Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTBXH cho biết, trung bình hàng năm Việt Nam có hơn 80.000 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Mặc dù con số này có giảm trong những năm gần đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tỷ lệ lao động nữ vẫn chiếm khoảng 35-40% và có xu hướng gia tăng. Phần lớn lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài thường làm những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp, trong các nhà máy, giúp việc gia đình hoặc trong lĩnh vực nông nghiệp và được trả lương thấp hơn nam giới; đồng thời cũng gặp nhiều thách thức, rào cản ở cả ba giai đoạn trước - trong - sau khi làm việc ở nước ngoài. Bà hy vọng Hội thảo sẽ là cơ hội để các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế, đặc biệt là đại diện các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cùng thảo luận về các biện pháp triển khai hiệu quả các quy định về giới của Luật sửa đổi, bổ sung về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 thông qua việc xây dựng Bảng kiểm về lồng ghép giới cho các doanh nghiệp dịch vụ.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thị Lan, Điều phối viên Chương trình An toàn và Công bằng tại Việt Nam nhấn mạnh, việc giải quyết khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động và việc làm đòi hỏi phải có những nỗ lực mạnh mẽ để thu hẹp khoảng cách trong việc phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế của quốc gia. Do đó, việc xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả là rất cần thiết nhằm đảm bảo các chính sách được thực hiện trên thực tiễn. Đây nên được coi là cốt lõi trong việc xem xét tiến độ đạt được trong Lồng ghép giới vào các chính sách lao động và việc làm.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu tổng quan về nội dung của Hướng dẫn khu vực và Kết quả rà soát việc lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm tại Việt Nam, tập trung vào bốn lĩnh vực bao gồm thúc đẩy việc làm, điều kiện việc làm bền vững, an sinh xã hội và lao động di cư. Tiếp theo đó, ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam đã trình bày về các nguyên tắc của đến Bộ quy tắc ứng xử dành cho doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và bà Vũ Hồng Minh, Chánh văn phòng, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình bày về công tác hỗ trợ, bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tại Phiên tiếp theo của Tập huấn, đại diện của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã xem xét và đóng góp ý kiến cho dự thảo Bảng kiểm, chia sẻ những khó khăn trong việc quá trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, từ đó, đề xuất những khuyến nghị trong thời gian tới.